Rudicaf có phải là Start-up không???

#Rudicaf #ceoblog

Thời gian qua, có vẻ trong xã hội Việt Nam không ai là chưa từng nghe đến từ "start-up".
Người người - nhà nhà nói đến start-up.
TV - báo - đài nói ra rả đến start-up.
Các cơ quan bộ - ban - ngành trung ương và địa phương thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới start-up.
Các hoạt động, cuộc thi, sự kiện, dự án, đề án... đua nhau hồ hởi, hào hứng khai thác chủ đề, nhân vật, cộng đồng start-up...

Tạm thời không bàn đến phải - trái, đúng - sai, hay - dở... của trào lưu này, vì suy cho cùng, cái gì cũng có nhiều mặt, tùy theo chúng ta tiếp cận nó ở mặt nào; từ góc độ nào; trên phương diện nào; được hưởng lợi hay bị thiệt hại bởi nó như thế nào...

Chỉ là nhân chuyện mọi người cứ hay hỏi thăm "start-up" của em dạo này thế nào?"; "sao làm start-up mà cứ đủng đỉnh, vi vu chứ không "hùng hục" như nhiều anh em khác nhỉ"..., thế là xâu chuỗi hệ thống các suy nghĩ của mình bấy lâu nay về start-up để mạn phép chém nhảm 1 đôi điều như thế này.

 

 Định nghĩa start-up của cá nhân mình

Trước khi trả lời câu hỏi "Rudicaf có phải start-up không?" thì cần phải lùi lại để trả lời câu hỏi tiền đề trước đó là "Định nghĩa của CEO Rudicaf về start-up là gì?" cái đã.

Tất nhiên, google trên máy tính hay "google miệng" 1 giây thôi là ra được hàng tỉ định nghĩa về start-up rồi. Ai cũng nghĩ là mình đúng - tất nhiên - và tất nhiên ai cũng có lí lẽ riêng, có cái "đúng" riêng. Tốt nhất là không nên tranh cãi, chỉ nên mạnh dạn đưa ra quan điểm của riêng mình trên cơ sở tôn trọng quan điểm của người khác.

Với cá nhân mình, sau khi nghe - đọc - tìm hiểu - tích lũy nhiều định nghĩa và thông tin về start-up, mình đưa ra quan điểm của cá nhân mình về start-up như sau:

Để được gọi là 1 Start-up Việt đúng nghĩa thì cần có ít nhất 1 và tất nhiên là càng nhiều đặc điểm trong list sau đây thì càng "ra chất":

1. Sản phẩm/Dịch vụ sáng tạo, độc đáo - ít nhất chưa từng có ở Việt Nam (chứ nói trên thế giới thì vô cùng lắm), hoặc giải quyết 1 vấn đề của xã hội mà những công ty khác chưa giải quyết được bằng 1 giải pháp có nhiều ưu điểm vượt trội hơn rất nhiều.

2. Kinh doanh sản phẩm/dịch vụ về công nghệ hoặc có ứng dụng công nghệ trong sản phẩm/dịch vụ.

3. Đang ở trong giai đoạn sơ khai hoặc giai đoạn đầu của quá trình phát triển, mọi thứ chưa rõ ràng, chông chênh, nhiều rủi ro. Cũng chính vì đi 1 con đường riêng, khai phá 1 "vạt rừng" mới nên thành công của start-up đang chỉ dừng lại ở "niềm tin và hi vọng", tỉ lệ thất bại cực cao (theo thống kê là trên 90%). Mọi thứ về mô hình kinh doanh, quản trị, chiến lược phát triển đều phải vừa làm vừa mò, tìm tòi nghiên cứu sáng tạo chứ khó mà sao chép, học dập khuôn theo các nơi khác được (tất nhiên là nếu có mô hình tương tự của nước ngoài thì học hỏi được phần nào thôi, chứ thị trường VN đặc thù như vậy, bao nhiêu ông lớn của nước ngoài trong nhiều ngành cứ áp đặt nguyên xi vào đây rồi chết sặc đó thôi).

4. Đem lại lợi ích, giá trị cho cộng đồng và xã hội chứ không đơn thuần là kinh doanh để sinh lợi về kinh tế (điểm này tuy hàm lượng sẽ ko nhiều như ở doanh nghiệp xã hội nhưng thực ra cũng vẫn là 1 đặc điểm mà mình nghĩ là cần phải có ở 1 start-up đúng nghĩa).

5. Có khả năng nhân rộng, phát triển ở quy mô cực lớn, đến 1 thời điểm nhất định sẽ có thể tăng trưởng với tốc độ cực nhanh (hay được hình dung với đồ thị dựng đứng)

P.s: Theo mình biết thì bản thân từ Start-up ở Silicon Valley được sinh ra gắn liền với đặc điểm số 2, tuy nhiên sau này khi được sử dụng rộng rãi thì đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ là công nghệ.
Về đến Việt Nam, khi được dịch là "Khởi nghiệp" thì các lĩnh vực còn được mở rộng ra hơn nữa: Bất kì ai có công ty riêng/ tự kinh doanh buniness riêng/mở 1 cái gì đó riêng đều tự gọi mình là "Start-up" và báo chí - truyền thông cũng vì thiếu nhân vật quá nên đôi khi bất kì ai có chức danh Giám đốc/Ông-Bà chủ thì cũng được gắn mác "người làm Start-up" cả.

Anyway, đã bảo là mình ko bàn câu chuyện đúng - sai, hay - dở ở đây, chỉ đơn giản là chia sẻ quan điểm của mình về định nghĩa start-up là như vậy.
Từ đó, theo quan điểm cá nhân của mình thì nếu như 1 doanh nghiệp/tổ chức không có bất kì đặc điểm nào trong 5 đặc điểm trên thì sẽ không hợp lí để gọi là start-up.

 

Rudicaf có phải là start-up không?

Từ định nghĩa trên, mình nghĩ Rudicaf cũng có thể được gọi là start-up khi mang đủ các đặc điểm 1, 2, 3 và 4. Dù là hàm lượng công nghệ trong sản phẩm của Rudicaf không nhiều, chỉ là công cụ chứ không phải là core value của sản phẩm, tuy nhiên vẫn được coi là "dính tí" công nghệ vào cho nó "đúng trend" .

Tất nhiên, nếu xét ở đặc điểm thứ 5, thì rõ ràng Rudicaf bị loại từ vòng gửi xe khi xin bon chen vào cộng đồng start-up chân chính . Theo trải nghiệm cá nhân của mình, thường thì các nhà đầu tư và đông đảo anh em trong cộng đồng start-up bây giờ khá là chú trọng, thậm chí chỉ quan tâm duy nhất đến đặc điểm thứ 5 này (dễ hiểu thôi, cũng hợp lí mà) . Bởi thế mà những câu chuyện start-up sẽ luôn xoay quanh "số lượng, dung lượng, khối lượng..., những con số đo đếm được, tiền triệu đô - tỉ đô...", và mình luôn thấy lạc lõng trong những câu chuyện như thế .

Có thể nói, nếu coi đặc điểm thứ 5 này là yếu tố tiên quyết để đánh giá 1 start-up thì Rudicaf nên được xếp vào dạng SMEs thì hợp hơn.

Phải ạ, thực ra mình hoàn toàn Ok nếu mọi người bảo Rudicaf là SME. Thậm chí, gần đây cứ bác nào chuẩn bị chiếu vào mình ánh mắt hình dấu hỏi với hàm ý "làm kiểu đấy thì đến đời nào mới có được 1 triệu thành viên, kiếm ra tiền tỉ", là mình vội vàng nhận luôn: "Dạ không, em là SME, not start-up at all ạ" .

Cũng có thể hiểu thế này.
Làm dating kiểu đại trà thì có nhiều start-up đình đám thế giới đã làm. Nó giống như 1 phân xưởng công nghiệp quy mô lớn, sản xuất hàng loạt siêu nhiều, siêu nhanh và dễ đem lại siêu lợi nhuận. Cái đấy rất hay, rất dễ giàu nên rất sướng, mình có dám ý kiến gì đâu.
Chỉ là mình làm hàng thủ công mỹ nghệ, tỉ mẩn lúi húi case by case, lọc hồ sơ-phỏng vấn-thẩm định-chăm sóc-hỗ trợ..., nói chung dùng cơm nhiều hơn dùng máy nên đành chịu chậm, chịu nghèo, chịu thua kém các bác đại gia siêu tốc.
Vâng, em chính hiệu là SME siêu bé nhỏ và siêu rùa bò.

Cuối cùng, tự nhiên muốn kết bài bằng 1 câu rất không liên quan đến cả đoạn nội dung phía trên.
Chả là vì Team CSKH thỉnh thoảng kể là có mấy anh chị khách cứ thắc mắc: "Sao bên em phí đắt thế mà có hơn trăm thành viên, trong khi mấy bên khác lúc nào họ cũng vài chục, vài trăm nghìn hay vài triệu"...
Mới đây đã ngồi vắt não sáng tác 1 câu dành tặng cho team để mang đi tặng những KH hỏi câu tương tự: "Quan trọng là Anh/Chị thích bới RÁC tìm LON BIA hơn hay bới VÀNG BẠC tìm KIM CƯƠNG hơn thôi ạ!"

Là thế đấy ạ, Vàng Bạc với Kim cương thì không thể sản xuất hàng loạt, ko thể đòi nhiều và nhanh được.
Hàng thủ công mỹ nghệ, làm bằng tay thì làm chậm nó mới giữ được chất.

Tóm lại, ai thích hàng công nghiệp thì có rất nhiều lựa chọn rồi, đừng lôi em Rudicaf bé bỏng ra so bì rồi chê bai mà tội em nó, hiu hiu.
Và ai thích tìm các start-up scale nhanh, kiếm tiền như máy thì cũng đã có rất nhiều rồi, đừng lôi nàng Rudicaf mong manh, yếu ớt ra bắt nó guồng trâu hơn cho ra "chất start-up" mà đáng thương cho nàng ạ.

Thank kiu vi na miu :***