Mới đây, chị đăng tải lên trang cá nhân key message: "Mọi tiêu chuẩn chỉ là tương đối, mọi lí thuyết chỉ là để tham khảo, quan trọng là gặp đúng người vào đúng thời điểm làm cho ta đủ muốn để “chốt” mà thôi". Chị có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
- Tôi có cảm hứng chia sẻ key message đó sau khi đi dự đám cưới một cô bạn. Cô ấy vốn là người xuất sắc và có rất nhiều ưu điểm, nên trước đây người yêu của cô ấy thường là những chàng trai “profile hoành tráng”, và mọi người xung quanh cũng như bản thân cô ấy vẫn nghĩ rằng như vậy mới xứng tầm. Tuy nhiên cuối cùng, chồng cô ấy lại rất khác so với tất cả những chàng trai đó. Anh ấy không quá nổi bật hay xuất sắc, nhưng lại luôn làm cho cô ấy vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc khi ở bên.
Chính vì vậy, tuy không tránh khỏi những nghi ngại của mọi người xung quanh khi nghĩ rằng họ không phù hợp lắm, nhưng về cơ bản, tôi thấy những người thực sự quan tâm, yêu quý cô ấy – trong đó có tôi, đều thấy vui cho hạnh phúc của cô ấy hiện tại.
Cuộc sống và tình yêu thú vị như vậy đấy, “mọi tiêu chuẩn chỉ là tương đổi, mọi lí thuyết chỉ là để tham khảo”. Khi chúng ta đã gặp được một người làm cho chúng ta cảm thấy đây đúng là “right one” của mình rồi, thì mọi thứ hình thức, đánh giá bên ngoài đôi khi không còn quá quan trọng nữa.
Nhưng nhỡ đâu vì đang say đắm trong tình yêu mà chúng ta bị “ngộ nhận” tại thời điểm đó mà chọn sai thì sao?
- Nếu nói như vậy thì vô cùng lắm, dù yêu đến đâu, hợp đến đâu, chúng ta cũng không bao giờ có thể chắc chắn 100% rằng đó là sự lựa chọn đúng hay không. Mọi sự lựa chọn và quyết định đều mang tính thời điểm, dựa trên kinh nghiệm và quan điểm của chúng ta tại thời điểm đó.
Trong tình yêu và hôn nhân, có những người thích những sự lựa chọn an toàn, tìm những đối tượng phù hợp với càng nhiều gạch đầu dòng trong danh sách các tiêu chuẩn của mình các tốt; càng được mọi người ủng hộ, khen ngợi là phù hợp càng tốt, như vậy sẽ thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên có những người đơn giản là muốn nghe theo con tim mình, chỉ cần mình thấy phù hợp và “đủ muốn” thì sẽ “chốt”. Tất nhiên như vậy có vẻ có nhiều rủi ro hơn, nhưng chưa chắc định lượng chuẩn quá đã hạnh phúc, cũng chưa chắc cảm tính quá đã dễ mắc sai lầm. Như tôi đã nói: Quan trọng là “đúng người – đúng thời điểm”, và cũng phải còn phụ thuộc vào “duyên” và “may” nữa.
Vậy thì khi nào mình biết là “đúng người - đúng thời điểm”?
- “Đúng người” – tôi nghĩ đơn giản là người làm chúng ta “đủ muốn” để gắn bó, để đồng hành, để giải quyết vấn đề và vượt qua những mâu thuẫn không thể tránh khỏi trong mối quan hệ của bất kì cặp đôi nào. Tôi không dùng từ hạnh phúc trong trường hợp này vì nó rất tương đối, bởi mỗi người có một chuẩn hạnh phúc riêng. Tôi thích từ “đủ muốn”, vì tôi tin là khi “đủ muốn” thì sẽ tìm giải pháp để tiếp tục ở bên nhau bằng mọi cách, không đủ muốn thì sẽ tìm lí do để rời xa nhau bằng mọi cách – áp dụng cho mọi hoàn cảnh, đối tượng, tình huống.
Về “đúng thời điểm”, đó là lúc chúng ta hiểu được mình là ai và xác định được thế nào là đúng người dành cho mình, gặp được một người như vậy và “đủ muốn” để quyết định gắn bó với người đó.
Nhưng có vẻ việc gặp được đúng người – vào đúng thời điểm là một viễn cảnh lí tưởng mà không phải ai cũng may mắn có được?
- Như tôi đã nói, trong chuyện tình yêu, hôn nhân thì ngoài những yếu tố có thể lí thuyết hóa thì chắc chắn cần phải đủ “duyên” và “may” nữa.
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ ngồi một chỗ chờ “duyên” và “may” đến. Chúng ta phải tìm kiếm và nỗ lực vì nó, và còn phải đi đúng hướng để có thể tìm thấy nó nữa.
Trong kinh nghiệm làm tư vấn hẹn hò và tình yêu của mình, tôi nhận ra rằng một trong những vấn đề lớn mà mọi người hay gặp phải trên hành trình tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc, đó là cứ vô tình hoặc chủ động tạo dựng nên một hình mẫu và tìm kiếm người yêu theo tiêu chí cụ thể. Vậy nên đôi khi chúng ta không nhận ra rằng: Chúng ta đang yêu việc mà người đó thỏa mãn kì vọng và mong muốn của chúng ta về hình mẫu người yêu, chứ ta không hề yêu bản thân người đó!
Thêm vào đó, cũng chính vì mải miết đi tìm người trong mộng quá nên đôi khi chúng ta quên mất việc nhìn lại mình xem bản thân như thế nào, một người như vậy có hợp với mình không, có thích mình không, thậm chí là bản thân mình có thực sự thích hay thấy hạnh phúc khi ở cạnh một người như vậy hay không…
Vì vậy theo tôi, để mong tìm được đúng người – vào đúng thời điểm, trước hết chúng ta cần hiểu thật rõ chính bản thân mình trước đã.
Chị có thể nói chia sẻ thêm và lấy ví dụ cụ thể hơn về việc nhiều người không hiểu rõ bản thân mình khi tìm kiếm tình yêu?
- Trong chương “Find yourself before you find love” – “Tìm thấy chính mình trước khi tìm thấy tình yêu” của cuốn “hẹn hò kiểu KÉN”, tôi viết: “Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cứ mải miết đi tìm một tình yêu, tìm một ai đó dành cho mình… nhưng lại quên mất việc khám phá và tìm hiểu chính bản thân mình. Vì không hiểu chính mình, nên hành trình tìm kiếm của chúng ta rất dễ đi vào bế tắc và quẩn quanh”.
Tôi từng có một khách hàng nam, lúc đầu khăng khăng là thích các bạn nữ thông minh, năng động, hiện đại nhưng sau 1 thời gian có cơ hội gặp gỡ, hẹn hò nhiều cô gái như vậy, anh ấy lại nhận ra rằng bản thân mình có cái tôi quá cao, không thích cảm giác phải chạy theo những cô gái đó vì các cô ấy thường rất tự tin, độc lập và bận rộn. Có khách hàng nữ cứ muốn tìm những người đàn ông thành công, giỏi giang, bản lĩnh và quyết đoán, nhưng bản thân lại là người cá tính mạnh mẽ nên không chịu được sự áp đặt và kiểm soát của anh ấy.
Đó không phải là những trường hợp hi hữu mà tôi thấy đa phần mọi người đều gặp phải vấn đề tương tự: Không thực sự hiểu bản thân mình, không hiểu mình là ai/muốn gì/cần gì/hợp với người như thế nào, và không chấp nhận được “combo” ưu và nhược điểm của một con người trong một mối quan hệ.
Vậy là theo chị, việc “thấu hiểu chính bản thân mình” là yếu tố tiên quyết để mọi người bắt đầu hành trình tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc?
- Bên cạnh việc hiểu bản thân mình muốn gì, mọi người còn cần hiểu một đối tượng như vậy sẽ muốn gì và từ đó đưa ra/thể hiện được ra được đúng thứ mà người đó cần chứ không phải đưa cho họ cái mà mình có và nghĩ là họ cần. Nhu cầu của mỗi người là khác nhau, nhu cầu của đàn ông và phụ nữ cũng khác nhau.
Cụ thể là nhu cầu của đàn ông và phụ nữ khác nhau như thế nào?
- Ví dụ có những bạn nữ 8X giỏi giang, bằng cấp này nọ với mức lương đáng mơ ước nên cứ khăng khăng phải tìm một anh chàng high-profile, hoành tráng hơn mình, điều kiện thế này thế kia mà không hiểu rằng hầu hết những người đàn ông như vậy lại không cần một người phụ nữ giỏi kiếm tiền, học vị quá cao hay quá thành công, xuất sắc mà chỉ thích những cô nàng 9X trẻ trung, vui vẻ, tươi mới…
Trong những trường hợp đó, bên cạnh yếu tố tuổi trẻ, những cô gái không quá xuất sắc và nổi trội làm cho người đàn ông cảm thấy thoải mái hơn, ít áp lực hơn khi ở bên. Từ trong gen, đàn ông thích chinh phục, thích cảm giác được phụ nữ ủng hộ, tôn trọng, ngưỡng mộ và thích che chở cho phụ nữ. Vì vậy, sự hoành tráng của người phụ nữ không hẳn là ưu điểm trong chuyện hẹn hò, tình yêu, hôn nhân, và đôi khi chính vì không hiểu nhu cầu của đàn ông, nên phụ nữ đang thể hiện ra và cho đi những thứ mà đàn ông không cần.
Ngược lại, có những người đàn ông thành đạt, giàu có lại không hiểu rằng phụ nữ đôi khi không dễ thỏa mãn chỉ bằng những món quà đắt tiền, những bữa ăn sang trọng, sự đáp ứng đầy đủ về vật chất mà họ cần được chia sẻ, được lắng nghe, được yêu thương.
Đàn ông đôi khi rất đơn giản ở chỗ: Chỉ cần phụ nữ đáp ứng được những thứ họ cần thì họ sẽ hài lòng. Ngược lại, phụ nữ lại rất phức tạp ở chỗ khi đàn ông đáp ứng họ điều này thì họ lại muốn thêm những điều khác, và ngưỡng hài lòng của phụ nữ thường rất vô cùng.
Đàn ông dễ đáp ứng nhu cầu như vậy nhưng chị lại nói “Phụ nữ đang thể hiện ra và “cho đi” những thứ mà đàn ông không cần”, chị có thể giải thích rõ hơn?
- Như tôi đã chia sẻ ở trên, tôi có nhiều khách hàng nữ rất giỏi giang, thành đạt, học vị cao, độc lập, xuất chúng, cá tính, bản lĩnh…, nói chung rất nhiều ưu điểm. Họ rất tự tin, thậm chí là tự cao về những ưu điểm đó, mà đôi khi không nhận ra rằng chính điều đó làm cho đàn ông thấy áp lực nhiều hơn là thích thú.
Bên cạnh đó, có lẽ do ảnh hưởng của tư tưởng được giáo dục từ bé “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nên rất nhiều bạn nữ hiện nay vẫn bị ngộ nhận với suy nghĩ rằng: “Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”. Họ cứ mải miết học thật cao, phấn đấu công việc tốt, lương hoành tráng nhưng lại bỏ bê việc chăm sóc bản thân, việc làm đẹp. Đó là vì họ không hiểu đàn ông cần gì.
Tôi rất tâm đắc 1 câu nói mà tôi thấy vô cùng đúng: “Đàn ông rất yêu vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn của phụ nữ, nhưng trước hết đó phải là một người phụ nữ đẹp cái đã”.Tất nhiên không phải ai bẩm sinh cũng đã đẹp sẵn, nhưng tôi nghĩ ý nghĩa chữ đẹp ở đây là chỉ những người phụ nữ biết làm đẹp cho bản thân, có ý thức về vẻ đẹp ngoại hình và biết duy trì, phát triển nó song song với việc trau dồi trí tuệ và bồi dưỡng tâm hồn.
Đồng ý là đàn ông cần người phụ nữ đẹp, nhưng nếu vừa đẹp vừa giỏi giang, xuất sắc, cá tính, sắc sảo, thông minh… thì càng hoàn hảo chứ sao?
- Cái gì quá cũng không tốt, kể cả sự hoàn hảo. Phụ nữ giỏi giang, thành công, sắc sảo, bản lĩnh, độc lập, cá tính, thông minh… đều là tốt, nhưng quan trọng là cần phải điều tiết việc thể hiện những điều đó đối với đàn ông. Có thể ở giai đoạn đầu, có những người đàn ông dễ bị hấp dẫn bởi những người phụ nữ có nhiều ưu điểm như vậy, nhưng trên cả một chặng đường dài đồng hành bên nhau thì nếu không biết điều tiết, chính những ưu điểm đó lại có thể trở thành nhược điểm.
Chúng ta có thấy rằng có những người đàn ông yêu rất nhiều cô xinh đẹp, giỏi giang nhưng lại lấy những người vợ rất bình thường và giản dị. Đó là bởi vì họ phân biệt rất rõ sự khác nhau giữa phụ nữ để yêu và phụ nữ để cưới.
Tôi không nói người phụ nữ cần phải tự làm mình kém đi để chiều lòng đàn ông, tôi chỉ nói về việc điều tiết sự thể hiện những ưu điểm đó của mình sao cho hợp lí.
Theo tôi, một người phụ nữ dù có giỏi giang, xuất sắc đến đâu, nếu muốn hạnh phúc, thì khi ở bên cạnh người đàn ông, chỉ nên là một người phụ nữ đúng nghĩa mà thôi. Vũ khí của phụ nữ nằm ở sự mềm mại và dịu dàng, sự khéo léo và “biết điều” chứ không phải lúc nào cũng cứ luôn phải thông minh, sắc sảo, tự tôn quá mức.
Có phải chính vì chưa nhận thức được những điều này mà nhiều phụ nữ hiện đại xinh đẹp giỏi giang đang lâm vào tình cảnh “Kén”quá hóa “ế”?
- Trước hết, tôi muốn khẳng định là “kén” và “ế” là hai khái niệm không thể đánh đồng. Tất nhiên tôi không có ý đánh đồng người với hàng hóa, nhưng tôi chỉ muốn đưa ra 1 phép so sánh mang tính liên tưởng: Một món hàng phong cách quá độc đáo, hoặc giá quá cao, hoặc kén người mua, thì không thể coi là hàng ế được. Ngược lại, 1 món hàng để lay lắt hết năm này qua tháng khác, sale đủ kiểu mà không ai mua, thì thực sự đó là hàng ế.
Đúng là những người phụ nữ vừa xinh đẹp lại quá giỏi giang xuất sắc thì sẽ khá là khó tìm được người vừa ý, phù hợp với yêu cầu của mình, nhưng không có nghĩa việc họ độc thân lâu có thể bị quy là “Ế”.
Vậy theo chị làm thế nào để phân biệt người “kén” và người “ế”?
- Suy từ phép so sánh ở trên tôi vừa nói: Người nào vẫn hấp dẫn được nhiều người khác giới, vẫn có nhiều người theo đuổi, vẫn còn nhiều sự lựa chọn thì dù độc thân bao lâu vẫn là “kén”, còn từ “ế” chỉ dành cho những người thực sự vốn đã không có gì hấp dẫn mà cũng không có ý thức và ý chí cải thiện và hoàn thiện chính bản thân mình nên chẳng làm ai cảm thấy mình hấp dẫn mà thôi.
Nhưng cứ “kén” mãi mà tuổi ngày càng cao thì thành “ế” mất?
- Theo tôi, “kén” và “ế” đều không có tuổi. Bất kì tuổi nào cũng vẫn có thể tiếp tục được/bị coi là “kén” hoặc “ế”, tùy vào tình trạng thực tế của người đó. Tôi biết nhiều người phụ nữ trung niên, tứ tuần – ngũ tuần vẫn có rất nhiều người đàn ông theo đuổi, vẫn rất hấp dẫn trong mắt người khác giới; ngược lại, có những bạn 20 xuân xanh cũng loanh quanh mãi chả thấy ai ngó ngàng.
Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là khuyến khích các bạn nữ cứ “kén, kén nữa, kén mãi”, bởi vì suy cho cùng, nếu chúng ta vẫn muốn có một người đồng hành thực sự, một gia đình ấm áp thì chúng ta cũng nên cân nhắc lại về tiêu chuẩn “kén” của chúng ta để điều chỉnh cho phù hợp.
Chúng ta không thỏa hiệp, dễ dãi “vơ quàng vơ xiên” 1 người yêu/1 người chồng cho có, nhưng chúng ta cũng phải dần dần tìm hiểu thực sự bản thân mình là ai, cần gì, muốn gì và tìm kiếm người phù hợp để chia sẻ tình yêu và cuộc sống của mình.
Chúng ta cũng cần phải lưu ý cải thiện và hoàn thiện bản thân để khi gặp được và đồng hành với ai đó thì ta có thể thích nghi, xây dựng và phát triển mối quan hệ đó một cách tốt đẹp và bền vững. Tôi nghĩ nếu nhận thức được đầy đủ và toàn diện những vấn đề đó rồi thì ta không cần quá lo lắng về “tuổi tác” và việc bị coi là “ế” nữa, mà chỉ là chờ đến “đúng thời điểm” để gặp được “đúng người” phù hợp và dành cho ta mà thôi.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!