Càng yêu thương nhiều, càng dễ vô tâm

Unconditional Love: What does it mean to you? — Andrea Garst
 

Trong tập mới nhất của “Hãy nói lời yêu” tối hôm qua, tình huống xảy ra là Hoàng My bị 1 lão trai có vợ lừa nên vô tình trở thành tiểu tam.
Khi clip đánh ghen bị post lên mạng, chắc chắn đó thực sự là 1 điều khủng khiếp với My.
Và mỗi người xung quanh My có 1 cách phản ứng khác nhau.

2 người bạn thân quý mến My xông đến nhà tìm cô, lo lắng hoảng hốt sợ cô có chuyện, thấy cô bỏ đi thì lo lắng vô cùng, chạy đôn chạy đáo đi tìm khắp nơi. Cô bạn thân vốn cũng nghèo, nhưng sẵn sàng bắt xe ôm rong ruổi đi tìm My mọi ngóc ngách, chỉ sợ My có chuyện. Khi cô về nhà, cả hội bạn xúm vào lo lắng cho cô, dỗ cô ăn uống và an ủi cô.

Bố cô, khi xem clip đánh ghen thì câu đầu tiên thốt lên là “Con này hư hỏng quá, anh phải lên Hà Nội cho nó 1 trận mới được”.

Mẹ cô, ngay khi xộc vào nhà cô thì phang ngay 1 cái tát trời giáng, chửi bới ùm xoè “Cái đồ dốt nát hư hỏng, mẹ dạy mày thế nào mà mày lại làm như thế…”

Khoan phân tích chuyện My “vô tình” để mình trở thành tiêu tam đúng – sai, khôn – dại đến đâu. Vì như lão trai đã lừa cô nói cũng có cái lí của nó “Ngu thì chết chứ bệnh tật gì?”
Nhưng thực ra xét về “tình”, cô bé 19 tuổi - mới bước vào đời, từ bé được bố mẹ bao bọc trong gia đình giàu sang, lại bị bố mẹ o ép “thống trị”, đàn áp và giữ gìn nâng niu đến ngộp thở từ bé, đương nhiên rất non nớt và thiếu trải nghiệm sống. Cô chưa đủ kinh nghiệm, nhạy cảm và tinh tế để phân biệt và đánh giá con người – những điều mà bắt buộc phải TỰ HỌC qua va chạm, tiếp xúc, trải nghiệm đủ nhiều và đủ đa dạng đối tượng, thử - sai – thất bại và hoàn thiện, chứ không có bất kì bố mẹ hay trường lớp nào dạy được.
Hơn nữa, lão trai lừa cô cũng là 1 tay chuyên nghiệp. Hắn có 1 vỏ bọc hoàn hảo, có diễn xuất tuyệt vời, lại ở nhà riêng – không có hình bóng vợ, lại còn trình cao đến mức thuê người đóng giả bố mẹ mình, mời cô bé đi ăn cùng trong nhà hàng sang trọng với không khí đầm ấm vui vẻ, thì 1 cô gái non nớt như My bị lừa là chuyện dễ hiểu.

Tuy nhiên những chi tiết đó không quan trọng ở đây (trong bài viết này), vì điều tôi đang muốn nói đến là cách cư xử của từng đối tượng khi tình huống xảy ra.

Tất nhiên, khi con gái xảy ra chuyện chấn động như vậy bố mẹ shock là đương nhiên, cảm thấy bị kích động là đương nhiên.
2 bố mẹ cùng danh giá trí thức, gia đình kiểu mẫu lí tưởng của cả xã hội, mà con gái lại bị tung lên mạng clip đánh ghen vì làm tiểu tam. Đau chứ, nhục chứ, ê chề chứ, xấu hổ chứ. Nhưng chỉ tiếc là, trong chuỗi cảm xúc của ông bố bà mẹ ấy ở thời điểm đó, lại ko hề có chữ “xót”.

Lúc bị tát xong, My có vừa khóc vừa gào lên “Sao mẹ không hỏi con là có chuyện gì? Sao mẹ không hỏi con có bị làm sao không cái đã?”.

Phải rồi, chính những lúc căng thẳng nhất, vào những tình huống “có vấn đề” nhất – thì cách “thể hiện tình yêu” thương mới được phơi bày rõ nét nhất.

Bố mẹ cô cứ nghĩ là vì quá yêu cô nên mới “phải” ép buộc cô đủ thứ, nhưng thực ra lại là những người VÔ TÂM nhất với những cảm xúc, nỗi buồn, những vết thương của cô. Họ “yêu cô quá, thương cô quá” nên họ để cho những nỗi sợ & lo lắng cuốn đi, và bỏ mặc cảm xúc của cô 1 cách hoàn toàn.
Bạn bè cô – ừ thì trẻ, nông, hời hợt, ừ thì chả sâu sắc hay yêu thương cô được như bố mẹ cô (như các cụ vẫn hay quy kết và “so sánh”), nhưng họ mới thực sự quan tâm, xót xa và chăm chút cô theo cách mà cô đang cần nhất!

Đúng rồi, điều mà cô bé cần lúc này là những cái ôm, những vòng tay yêu thương, che chở và chia sẻ, cảm giác ấm áp từ người thân, cảm giác được bảo vệ, được an toàn, được bình yên…
Đúng – Sai tính sau, Hay – Dở tính sau, Khôn – Dại tính sau, Tốt – Xấu tính sau…

Có lẽ, nhiều khán giả xem phim hôm qua cũng rất phẫn nộ với ông bố bà mẹ này. Nhưng mà thực tế đôi khi nhìn lại ngoài cuộc sống, nhìn lại chính bản thân mình, đấy lại là cách mà chúng ta thường xuyên nhìn thấy, nghe thấy, được biệt, thậm chí tự dùng để đối xử với những người yêu thương thân thiết nhất của mình.

Càng yêu thương nhiều – càng dễ vô tâm chính là như vậy!

Như tôi đã kể, những người bạn của My trong phim, điều đầu tiên họ quan tâm là cô có làm sao không, là sợ cô nghĩ dại, là thương xót cô đã bị tổn thương, là muốn tìm bằng được cô để ở bên cô và chia sẻ với cô.

Còn bố mẹ cô, thì 1 cách vô thức đã tiếp tục đâm cô những nhát dao rất đau, đau hơn tất cả những người đang công kích, phỉ nhổ cô trên mạng.

Bởi vì suy cho cùng, những người trên mạng là ai? Họ là người dưng, họ có làm gì, chửi bới thế nào, thì họ vẫn là người dưng!
Và khi ta không quan tâm họ, không yêu quý họ, không coi họ quan trọng với mình, thì ta có thể gạt bỏ những gì họ nói và làm, có thể coi như họ không tồn tại, có thể để họ lại sau lưng và bước tiếp…

Còn khi ta đã yêu thương thân thiết với ai, đồng nghĩa với việc ta để cho họ tiếp xúc với mặt yếu đuối và dễ tổn thương nhất của bản thân ta, và 1 cách tự nhiên ta trao cho họ cái quyền làm tổn thương ta 1 cách đau đớn nhất.

Tất nhiên, bố mẹ sẽ nói rằng: “Bạn bè làm sao mà yêu thương xót xa mày bằng bố mẹ được, nghĩ thế là quá ấu trĩ và thiển cận. Bố mẹ yêu mày quá, lo cho mày quá nên bố mẹ mới thế; bố mẹ lo cho danh dự của mày, lo cho thể diện, lo cho tương lai của mày nên bố mẹ mới thế…”. Nói chung, có nghìn nghìn tỉ tỉ lí do để những người thân thiết, những người trong gia đình, họ hàng ở Việt Nam vẫn lấy ra để “hợp lí hoá” việc gây tổn thương cho người khác, vô tâm với cảm xúc của người khác – chỉ vì thoả mãn cảm xúc hoặc sự không kiềm chế được cảm xúc của chính bản thân mình.

Trời ạ, những cách nghĩ ấy đã được thế hệ bố mẹ ông bà chúng ta tiêm vào đầu chúng ta qua hàng thế kỉ nay, làm cho đôi lúc chính những người cùng thế hệ chúng ta và sau chúng ta cũng tin như thế, nghĩ như thế và thậm chí tiếp tục hành xử như thế…

Chắc chắn, bố mẹ là người yêu thương ta vô cùng, có ơn sinh thành dưỡng dục to lớn vô cùng – nhưng điều đó không có nghĩa là cách thể hiện tình yêu của bố mẹ luôn luôn đúng, luôn luôn tốt và luôn luôn mang lại hạnh phúc cho chúng ta.

Đôi khi, cách yêu thương theo kiểu “độc đoán”, cực đoan, 1 chiều, không biết lắng nghe, không chia sẻ, không thấu hiểu, không bao dung, và “luôn có điều kiện” lại còn làm tổn thương chúng ta vô cùng tận, bóp chúng ta nghẹt thở vô cùng tận, mệt mỏi và buồn khổ vô cùng tận.

Như cách mà bố mẹ Hoàng My đối xử với cô, đặc biệt là bà mẹ “luôn luôn muốn mọi thứ đi đúng quỹ đạo, luôn luôn quan tâm đến thể diện, danh dự của “cái gia đình này”, luôn gào lên “tôi hi sinh cả thanh xuân của tôi, cả cuộc đời tôi là vì cái gì, vì ai?”, luôn nghĩ rằng mình làm tất cả vì gia đình và oán trách mọi người vô ơn với mình, luôn bắt chồng con phải chịu ơn mình vì mình đã hi sinh quá nhiều và phải thể hiện sự chịu ơn đó bằng cách phục tùng, tuân lệnh, nghe lời và cấm bao giờ được làm trái ý.

Thực ra mà nói, kiểu tình yêu thương đó độc hại vô cùng, khắc nghiệt vô cùng, đáng sợ vô cùng.

Đó là kiểu tình yêu thương làm tổn thương và thậm chí “giết chết” tình yêu của người được yêu – cụ thể là Hoàng My, em trai và bố Hoàng My chỉ luôn luôn cảm thấy sợ, dần dần còn “kinh sợ”.

Vậy nên, Hoàng My luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, bên cạnh những người yêu thương nhất của mình.
Cô tìm mọi cách vùng vẫy thoát khỏi vòng tay bố mẹ, và mỗi lần bố mẹ xuất hiện trước mắt thì cứ như cơn ác mộng.
Cô ra đời, cô sai, cô vấp ngã, và lúc ấy, cũng chỉ có những người bạn ở bên cô và cho cô cảm giác được yêu thương. Còn những người yêu thương cô nhất là bố mẹ, thì chỉ làm cho cô đau đớn, tổn thương thêm rất nhiều, vì sự cay nghiệt, vì cái tát, vì suy nghĩ chụp mũ quy kết, vì sự trách móc “mày làm mất thể diện của gia đình”.

Suy cho cùng – xét đúng vào bản chất, cách mà bố cô nói, mẹ cô hành xử, là vì chính họ, vì chính cảm xúc của họ, vì chính sự “sợ mất mặt” của họ, vị sự thiếu kiểm soát cảm xúc & hành vi của họ, và vì thứ tình yêu độc hại mà họ dành cho cô khi họ giải thích rằng “họ sợ ảnh hưởng đến tương lai của cô”.

Nhưng mà thực ra…
Nếu hiện tại không hạnh phúc, thì chẳng bao giờ có tương lai hạnh phúc.
Nếu không cảm thấy được yêu thương và an toàn trong chính gia đình, ngôi nhà – bên cạnh những người thân yêu của mình, thì sẽ chẳng bao giờ có thể yêu thương và hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc đời.
Nếu như bản thân không thực sự hạnh phúc thì bao nhiêu thể diện, hào nhoáng bên ngoài đều là vứt đi.

Cách cư xử của những người bạn cô trong tình huống ấy cũng ko phải là hoàn hảo, và chúng ta cũng không vội tung hô là bạn bè tuyệt vời, đỉnh cao này khác.
Chỉ đơn giản họ đã cho chúng ta tham khảo 1 góc nhìn mang tính định hướng về cách cư xử:

Khi người mình thương yêu bị đau, bị tổn thương – thì cứ quan tâm chăm sóc vết thương của họ cái đã.
Hãy đặt cảm nhận, sự an toàn, cảm xúc và vết thương của họ lên trên hết, cao hơn tất cả, bỏ mặc tất cả những thứ khác, ít nhất là tạm thời ở thời điểm ấy.
Còn lại sau đó, đúng – sai, tốt – xấu, nên – không nên… còn rất rất rất… nhiều thời gian để phân bua, để xử lí, để giải quyết…
Lúc ấy, họ chỉ cần được yêu thương, được quan tâm, được chia sẻ, được ở bên, được an toàn, được bình yên, được vuốt ve, vỗ về, được cảm giác rằng “những người mình yêu thương nhất vẫn luôn ở đây bên mình, và bất kì khi nào mình cần, họ sẽ làm những gì mà mình muốn, để mình vui hơn, nhẹ nhàng hơn, bớt tổn thương hơn…”. Vậy là đủ…

Cứ để cho họ bình tâm lại, hãy để cho họ có thời gian nguôi ngoai nỗi đau, làm dịu vết thương, hồi phục cảm xúc và tâm trạng…
Họ sẽ tự biết phải làm gì, nên thế nào…
Họ làm đúng, họ sẽ tự tin hơn và hoàn thiện hơn…
Họ làm sai, họ sẽ phải tự biết học hỏi, rút kinh nghiệm, sửa chữa và khắc phục để sống tốt hơn trong tương lai…

Cuộc đời là của họ… họ phải tự chịu trách nhiệm và hưởng đủ hỉ-nộ-ái-ố-hay-dở của cuộc đời mà họ đã lựa chọn.

Dù chúng ta có yêu thương họ đến đâu, chúng ta không thể sống thay họ, vui hay họ hay buồn thay họ, hưởng thay họ hay chịu thay họ. Vì vậy, chúng ta đừng can thiệp 1 cách thô bạo vào cuộc đời họ, và nhân danh “tình yêu – sự hi sinh” để áp đặt họ làm những thứ mà ta cho là đúng.

Chính vì bố mẹ và những người thân hay “nghĩ hộ, muốn làm thay, muốn quyết định thay, muốn lựa chọn thay, nghĩ là mình phải chịu trách nhiệm…” nên mới vô thức tạo áp lực lên những người mình yêu thương là như thế.

Thay vào đó…

Hãy yêu thương bằng cách làm cho họ cảm thấy được tôn trọng, được chia sẻ, được lắng nghe, được tôn trọng quyết định, được lựa chọn và được tự chịu trách nhiệm về những sự lựa chọn của mình…
Hãy thể hiện tình yêu thương bằng cách đơn giản là ở bên cạnh họ, đồng hành cùng họ qua những buồn vui, và cho họ được an toàn và bình yêu trong tình yêu thương của mình.

Đó mới là tình yêu thương và cách yêu thương trong trẻo và lành mạnh nhất!

P.s: Những chia sẻ trên đây của tôi KHÔNG ÁP DỤNG với trường hợp những người thân yêu của chúng ta làm sai đến mức vi phạm đạo đức, nhân tính, vi phạm hệ giá trị cơ bản của xã hội 1 cách nghiêm trọng. Trong những tình huống đó, mọi quyết định, lựa chọn về hành vi, ứng xử, cách phản ứng sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều, khó khăn hơn rất nhiều. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không thể phân tích toàn diện được.

Dù thế nào, tôi chỉ hi vọng mọi người luôn nhớ rằng: Yêu thương 1 người THỰC SỰ có nghĩa là làm cho họ cảm thấy được hạnh phúc trong tình yêu thương của mình, chứ không phải là theo cách mà mình nghĩ là sẽ làm cho họ hạnh phúc!

Hãy cùng suy ngẫm về điều đó nhé.
Chúc mọi người sẽ yêu thương và được yêu thương theo cách mà tất cả đều có thể hạnh phúc