Là “bà mối" có nhiều kinh nghiệm, từng “kinh" qua không ít thất bại trong quá khứ, theo dõi được hết những biến chuyển của ngành dịch vụ hẹn hò tới hơn một thập kỉ, chị Vũ Nguyệt Ánh - CEO Rudicaf đã có những trải lòng thật nhất về tình yêu của giới trẻ trước ngày Valentines 14/2 sắp tới đây.
Cơ duyên nào đã gắn kết chị với dịch vụ hẹn hò?
Lần đầu tiên tôi theo đuổi lĩnh vực này là vào năm 2011, thời điểm ấy có một số cái tên nổi bật như Noi.vn, VietnamCupid, Hẹn ăn trưa… Tôi sớm nhận thấy ở Việt Nam, dân số ngày càng trẻ, người vẫn đi tìm người nhưng hầu hết đều bị công việc cuốn lấy, nên cơ hội tiếp cận với những đối tượng tiềm năng dần ít đi và bản thân lại kén chọn hơn qua thời gian. Vì thế khi ra mắt công ty hẹn hò đầu tiên vào thời điểm đó, tôi muốn làm một điều gì đó để góp phần nâng cao chất lượng cho thị trường này.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều bạn trẻ giữ tâm lí sợ bị đánh giá bất bình thường, kém cỏi nếu phải trả tiền cho việc tìm người yêu. Bởi vậy, những bên làm dịch vụ muốn tồn tại phải chạy theo số đông, phục vụ những đối tượng sẵn sàng trả phí nhưng từ chối một mối quan hệ nghiêm túc. Cũng chính trong đà “chạy theo" đó, dần dà, họ đánh mất niềm tin từ các khách hàng đúng nghĩa của dịch vụ hẹn hò, từ đó không thể tiếp tục phát triển kinh doanh và phải đóng cửa - một vòng luẩn quẩn khiến cho ngành mai mối chao đảo trong vòng mười mấy năm trời.
Bản thân tôi khi ấy vẫn “cố thủ” với phân khúc khách hàng cao cấp với việc sàng lọc hồ sơ và đặt mức phí cao nên lại càng khó khăn hơn. Tôi buộc mình phải đóng cửa doanh nghiệp, kéo cày trả nợ bao nhiêu năm và luôn đau đáu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao bao nhiêu người giỏi đều “trắng tay" với một lĩnh vực đầy tiềm năng như vậy?”. Và rồi, tôi đã hiểu ra rằng nếu muốn dấn thân vào thị trường “khó nhằn" này thì mình phải chấp nhận đứng ra làm người tiên phong định hướng thị trường, thuyết phục người độc thân sử dụng dịch vụ hẹn hò một cách bình thường như đi cafe, đi ăn nhà hàng.
Năm 2016, tôi quay trở lại thị trường, ra mắt phân khúc trung bình - cao (hiện tại đã bỏ, chỉ tập trung 2 phân khúc cao cấp và đại chúng). Sau 5 năm vật vã, ít nhất tính đến hiện tại, có thể chưa thành công về mặt quy mô, tăng trưởng doanh thu nhưng tôi đã sở hữu một thương hiệu khiến khách hàng tin tưởng.
Doanh nghiệp của chị bị ảnh hưởng ra sao trong giai đoạn Covid vừa qua?
Tôi đề cao tiêu chí là gặp gỡ trực tiếp chứ không khuyến khích hẹn hò online. Tuy chúng ta sống trong thời đại công nghệ 4.0 nhưng máy móc chỉ là công cụ giúp mọi việc của chúng ta thuận lợi, đơn giản, nhanh chóng hơn thôi chứ hoàn toàn không thể thay thế con người, đặc biệt trong chuyện tình cảm.
Đối với phân khúc cao cấp, tôi tuyệt đối không để khách hàng của mình chat hay gọi điện trước cuộc gặp đầu tiên, còn đối với phân khúc đại chúng, ứng dụng Tilani của chúng tôi nếu nhận thấy khách hàng dùng làm công cụ để xin Facebook, số điện thoại thì họ sẽ phải trả phí khá cao, trong khi đó, "book" lịch hẹn gặp nhau trực tiếp qua app lại miễn phí.
Quan điểm của tôi rất rõ ràng, giao tiếp online gây ra nhiều rào cản trong việc tìm hiểu và đánh giá về nhau, vì “con người online" và con người ngoài đời thật có thể khác nhau rất nhiều. Tại sao chỉ vì một người chat không thú vị, không biết cách thể hiện ưu điểm của mình qua những dòng chữ hay biểu tượng cảm xúc mà mình lại phủ nhận cơ hội gặp họ cơ chứ? Khi người tiếp xúc với người, còn rất nhiều yếu tố như thời điểm, bối cảnh, những chất xúc tác cảm xúc tự nhiên, ngôn ngữ hình thể như ánh mắt, lời nói, cử chỉ… có thể tác động đến việc hình thành và phát triển cảm xúc, và tôi tin chắc chắn tình yêu là thứ mà dù thế giới này của chúng ta văn minh và phát triển đến đâu đi nữa thì máy móc sẽ không bao giờ thực sự thay thế được.
Có lẽ cũng chính vì quan điểm kinh doanh “đi ngược thời đại số hoá" đó mà doanh nghiệp của chúng tôi đã thực sự gặp thử thách lớn trong 2 năm Covid vừa rồi.
Phải chăng chị là người không thích các ứng dụng hẹn hò phổ biến hiện nay như Tinder, Bumble?
Tôi không “anti” các ứng dụng hẹn hò, thậm chí rất ngưỡng mộ và khâm phục thành công của họ nhưng chỉ đơn giản là triết lí kinh doanh của tôi khác họ. Họ theo đuổi số lượng vì đó là yếu tố quan trọng để mở rộng quy mô doanh nghiệp, tăng lợi nhuận. Còn triết lí kinh doanh của tôi có vẻ hơi ngây thơ bởi tôi giữ tâm niệm cứ làm tốt mọi việc, kinh doanh ắt tự tốt lên. Tất nhiên, quá trình kinh doanh của mình lâu hơn nhiều, thậm chí cơ hội làm giàu thấp hơn. Tôi không chạy theo tiền bằng mọi giá, không cần là startup kì lân; tôi chỉ cần cảm thấy doanh nghiệp của mình vẫn sống, vẫn nhận được sự chào đón của khách hàng, vẫn mang lại cho khách hàng thực giá trị thực sự, thì tôi vẫn có niềm tin rằng một ngày nào đó thành công và cơ hội phát triển bùng nổ sẽ tới.
Bên cạnh đó, khi một khách hàng độc thân tìm đến chúng tôi, chúng tôi sẽ sàng lọc và bóc tách vấn đề của họ. Tôi nhận thấy có 3 lí do chính mà người độc thân chưa tìm được nửa kia phù hợp: một là họ thiếu cơ hội/thời gian để tiếp cận đối tượng tiềm năng phù hợp; hai, bản thân họ chưa thực sự hiểu bản thân mình, chưa hoàn thiện diện mạo cá nhân và các kĩ năng xã hội; ba, họ bị tổn thương tâm lí từ những vấn đề trong quá khứ mà chưa thể tự thoát ra, tự chữa lành để sẵn sàng cho những mối quan hệ mới… Nhiều khi, dù có 1, 2 hay thậm chí cả 3 lí do trên, thì nhiều khi bản thân họ cũng không tự nhận thức được mà luôn chỉ giải thích vắn tắt 1 từ “KÉN".
Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp họ đánh lớp gỉ bên ngoài, tự khắc thỏi nam châm bên trong họ trỗi dậy. Rudicaf của chúng tôi tuy “lớn” chậm nhưng giải quyết triệt để những vấn đề từ bên trong khách hàng chứ không chỉ làm mỗi nhiệm vụ tìm kiếm.
Xã hội càng hiện đại có phải là lí do để con người ta càng dễ “ế” không, thưa chị?
Theo cách lí giải thông thường, xã hội hiện đại cuốn mọi người vào guồng quay công việc bận rộn khiến mọi người có ít thời gian và tâm sức hơn cho việc hẹn hò, yêu đương. Thời đại kết nối ảo quá nhiều cũng làm hạn chế cơ hội giao tiếp, mở rộng mối quan hệ “thật" của mọi người.
Tuy nhiên theo góc nhìn của tôi, ngoài những lí do cơ bản đó thì 1 trong những lí do quan trọng nhất làm cho nhiều bạn trẻ trong xã hội hiện đại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm 1 nửa chính là “cái tôi". Ai cũng nghĩ “mình giỏi, mình đẹp - mình có quyền", ai cũng nghĩ mình “high profile", điều kiện tốt, và việc đặt ra tiêu chuẩn cao, yêu cầu khắt khe cho “người đồng hành" là chuyện đương nhiên và dễ hiểu. Vì vậy, họ biến hành trình tìm kiếm tình yêu thành một “cuộc tuyển chọn”.
Thậm chí có nhiều người còn bị quá đà, trở nên “ảo tưởng sức mạnh" về bản thân đến mức đòi hỏi và tìm kiếm những chân dung mà với người có kinh nghiệm như tôi mới nghe cũng “hoảng", vì tôi dám chắc những người như vậy sẽ không bao giờ thích những người như họ.
Họ tìm kiếm những thứ hoàn hảo, trong khi bản thân họ cách xa sự hoàn hảo rất rất nhiều, và suy cho cùng, sự hoàn hảo cũng là thứ vốn không tồn tại trên đời. Nhiều bạn công chúa, hoàng tử đi du học về, được bố mẹ bảo bọc hoặc những anh CEO/Chủ tịch công ty giàu có hoành tráng luôn nghĩ mình là “đỉnh của chóp" đến gặp tôi với 1 danh sách tiêu chí dài như sớ, kiểu như “chắt lọc hết tinh hoa" của 1 con người đưa vào đó. Đôi khi tôi muốn bảo họ thay vì sử dụng dịch vụ thì nên dành tiền để đặt nặn tượng sáp và thiết kế cài đặt AI - trí tuệ nhân tạo vào thì may ra thoả mãn được yêu cầu của họ, mà lại yêu thích họ theo đúng cách mà họ muốn (cười).
Thực ra, tình yêu đơn giản xuất phát từ những rung cảm rất con người. Tôi đồng ý rằng “mây tầng nào gặp mây tầng đó" - hai người cần phải có nền tảng nhận thức tương đương, hoàn cảnh - điều kiện cân xứng mới dễ dàng đồng hành lâu dài. Tuy nhiên, nếu như khách hàng bị kẹt cứng trong những tiêu chuẩn mình đề ra, sau đó lại dùng sự ích kỉ - cái tôi cao chất ngất để soi xét, chỉ trích nhược điểm của đối phương, yêu cầu người kia phải “theo chuẩn của mình", thì đó lại chính là cách mà họ đã dùng lí trí bóp nghẹt cảm xúc cá nhân, và sẽ rất khó để tìm được tình yêu thực sự. Ngay cả khi “may mắn tuyển lựa được ứng viên đủ checklist", chưa chắc họ đã vui vẻ, hạnh phúc với sự lựa chọn đó.
Có một sự thật là, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi, thậm chí kì thị dịch vụ hẹn hò cũng như các ứng dụng hẹn hò?
Điều đó cũng dễ hiểu khi mà những năm vừa qua, các ứng dụng, dịch vụ hẹn hò đã làm mất lòng tin của người dùng rất nhiều vì những mặt tiêu cực, những vấn đề phát sinh… Tôi nghĩ vẫn sẽ cần thêm thời gian, nhất là phải cần thêm cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ hẹn hò uy tín, nghiêm túc để họ có thể lấy lại niềm tin.
Không phải ngẫu nhiên mà dịch vụ hẹn hò tại các cường quốc đã phát triển lớn mạnh và trở thành một ngành công nghiệp, một dịch vụ thiết thực trong cuộc sống. Tôi vẫn luôn tin rằng điều đó ở Việt Nam chỉ là sớm muộn, nhưng trước mắt phải chấp nhận giai đoạn “educate thị trường", tạo niềm tin và thói quen sử dụng cho khách hàng.
Tôi thấy tình hình đã bắt đầu cải thiện dần trong một vài năm qua, khi các bạn trẻ đi du học về ngày càng nhiều, các bạn trong nước cũng được tiếp xúc với các nguồn thông tin đa dạng từ thế giới nên tư duy cởi mở hơn rất nhiều. Chúng tôi thường xuyên được tiếp xúc với các đối tượng khách hàng như vậy nên cũng thấy rất lạc quan.
Thực ra, tình yêu vốn bắt nguồn từ những điều tự nhiên nhất và dịch vụ hay ứng dụng hẹn hò không làm nó mất đi sự tự nhiên. Chỉ là chúng tôi đang chỉ đóng vai ông tơ bà nguyệt với một hình thức khác, tuy nhiên không hề thay đổi bản chất tình yêu, không hề bắt mọi người phải dùng điện thoại để yêu nhau hay cưới nhau. Dịch vụ của chúng tôi sinh ra để giúp mọi người mua cơ hội chứ không mua người yêu, tình yêu hay hạnh phúc. Chúng tôi chỉ dừng lại ở việc kết nối mọi người, quy tắc gần chục trang rõ ràng giấy trắng mực đen (cười).
Vậy theo chị, thị trường hẹn hò Việt Nam khó phát triển như hiện tại là do “lỗi” của những dụng hẹn hò thời gian qua đã làm mất niềm tin của người dùng?
Tôi vẫn luôn khẳng định rằng: Bản thân ứng dụng hay dịch vụ hẹn hò vốn không hề có lỗi!
Trong một xã hội bận rộn, chúng ta cần những công cụ hỗ trợ để mở rộng mối quan hệ và biết đâu trong số những mối quan hệ đó, chúng ta tìm được nửa kia đích thực. Vấn đề ở đây nằm ở chính những người sử dụng không đúng mục đích, đôi khi lại đang chiếm số đông trong số người dùng ứng dụng hẹn hò, thậm chí có những thời điểm “áp đảo" những người độc thân thực sự có nhu cầu hẹn hò, vậy nên mới sinh ra những chuyện tiêu cực, không lành mạnh, gây ác cảm cho xã hội.
Tinder ban đầu được sinh ra đơn thuần chỉ là một nền tảng kết nối hẹn hò, và ở rất nhiều nơi trên thế giới, Tinder được ưa chuộng và giúp rất nhiều người tìm kiếm tình yêu đúng nghĩa. Thế nhưng tại Việt Nam, chính hành vi của khá nhiều người dùng như thoải mái công khai tìm ons, fwb trên profile, dùng thông tin ảo, ảnh giả… đã khiến nó dần dần bị định hình thành “hook up app”.
Trong cộng đồng Tilani, chúng tôi công khai kiểm soát hành vi của khách hàng, không được đăng ảnh giả, không được viết những dòng tục tĩu, nếu không chấp thuận sẽ bị ban nick nhưng tất nhiên, số lượng người tham gia ít hơn rất nhiều. Mọi thứ đều có giá của nó, nếu dùng Tinder thì bạn phải dùng một cái "đầu lạnh" để chọn lọc thông tin các partner.
Bản thân tôi rất vui khi những “người khổng lồ” khác nhập cuộc vào thị trường này. “Buôn có bạn - bán có phường”, tôi thực sự muốn thị trường này ngày càng chuyên nghiệp, “khó tính", mang tình yêu thật đến cho mọi người và loại bỏ những người làm cho vui, suy nghĩ ngắn hạn, nghĩ rằng đây là bài toán ăn tiền kiểu “mì ăn liền".
Chị sẽ dành lời khuyên nào cho những bạn trẻ độc thân hiện nay?
Bước đầu tiên trong hành trình tìm kiếm tình yêu luôn bắt đầu bằng chuỗi câu hỏi “Bạn là ai, bạn có những ưu - nhược điểm gì, bạn thực sự muốn gì, cần gì, phù hợp với người như thế nào, sẽ thấy yêu một người thế nào và người như thế nào sẽ thấy bạn phù hợp và thực sự yêu bạn?”.
Nếu bạn chưa thực sự nghiêm túc trả lời những câu hỏi đó, hoặc trả lời xa rời thực tế, thì chắc chắn hành trình tìm kiếm tình yêu của bạn sẽ luôn luôn, mãi mãi quẩn quanh và bế tắc. Tôi cho rằng truyện/phim ngôn tình kể về, hoàng tử cưới Lọ Lem là văn hóa phẩm độc hại, khiến nhiều bạn “tâm hồn treo ngược cành cây", mộng mơ những hình tượng không có thật.
Tình yêu không phải câu chuyện liệt kê 1 checklist rồi tìm ra một người đạt đủ tiêu chuẩn, vậy là hạnh phúc. Trong tình yêu, cả 2 đều cần không ngừng cùng nhau vun đắp, phát triển và duy trì nó bền vững. Đó là một chặng đường mà trên đó cả 2 phải đồng hành và nỗ lực cùng nhau, chứ không ai nên nghĩ mình “điều kiện cao hơn, chiếm ưu thế hơn, có uy quyền hơn" để đòi hỏi người kia luôn phải thoả mãn yêu cầu của mình.
Nếu bạn đã cố gắng rất nhiều mà chưa tìm thấy người phù hợp, hãy nghĩ đơn giản là duyên chưa tới. Hãy tranh thủ thời gian để hoàn thiện, phát triển bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, để đảm bảo rằng nếu một ngày bất chợt bạn “lỡ may đụng trúng" người hoàn hảo dành cho mình, bạn đã đủ hoàn hảo đối với họ. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là 2 người cùng phải có kết nối cảm xúc với nhau thực sự chứ không chỉ là “tickbox" nhé!
Ngoài ra, nếu bạn thực sự chọn độc thân, thì cứ “enjoy cái moment này" và mặc kệ những lời giục giã, hỏi han. Bởi suy cho cùng, dù hạnh phúc hay cô đơn, thì cũng không ai tận hưởng hay chịu đựng thay cho bạn được.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!