Tại sao ta thường yêu người giống bố mẹ?

Chúng ta có xu hướng yêu người giống bố mẹ mình là một trong những giả thuyết gây tranh cãi nhất dạo gần đây. Dù nghe có vẻ vô lý, vô vàn nghiên cứu khoa học đã được thực hiện để con người nghiêm túc suy xét về tính xác thực của nó. Và câu hỏi lớn cần trả lời là:

 

Tại sao chúng ta, dù là trong ý thức hay tiềm thức, lại chọn gắn bó với một người giống bố mẹ mình?

 

Năm 1873, nhà sinh vật học người Anh Douglas Spalding đã phát hiện ra rằng gà con bắt chước gà mẹ vì gà mẹ là vật thể di chuyển đầu tiên mà nó nhìn thấy. Kết quả là gà con luẩn quẩn theo mẹ mặc dù không có chủ đích hay ý nghĩa rõ ràng.

 

Hành vi này sau đó được nhà sinh vật học người Đức Oskar Heinroth đặt tên là “mô phỏng”. Khái niệm này đã được mở rộng và bao gồm “mô phỏng di truyền” (sự mô phỏng của con cái với bố mẹ) và “mô phỏng tính dục” (xu hướng tình dục của chúng ta trong tương lại bị ảnh hưởng bởi quá trình quan sát bố mẹ).

Ngoại hình là hình ảnh trước nhất não bộ ghi nhận khi chúng ta gặp ai đó lần đầu tiên. Một nhà nghiên cứu Hungary đã nghiên cứu các đặc điểm khuôn mặt của 52 gia đình và tìm thấy mối tương quan đáng kể giữa ngoại hình của chồng một người phụ nữ và bố cô ấy, tương tự với vẻ ngoài giữa người vợ và người mẹ của người chồng.

 

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí khoa học Philosophical Transitions B vào năm 2003 đã đưa ra chứng cứ thuyết phục hơn nữa khi phát hiện ra rằng: những người lạ vẫn có thể xác định mối quan hệ mẹ chồng – con dâu dù chỉ dựa trên nét tương đồng trên khuôn mặt. Một bài báo khoa học khác về “Nghiên cứu hiện tượng mô phỏng ở con người” thậm chí còn chỉ ra rằng việc theo dấu này có thể dựa vào cả màu mắt hoặc tóc.

 

Đặc điểm tính cách

 

Bên cạnh ngoại hình, hiện tượng mô phỏng cũng xuất hiện trên đặc điểm tính cách. Đã bao giờ bạn nghe một người nói: “Mới gặp có một tuần mà tôi ngỡ như đã biết người đó cả đời!” chưa?

 

Nhà trị liệu tâm lý Elayne Savage, tác giả cuốn sách Breathing Room: Creating Space to be a couple, gán hiện tượng này cho sự thân thuộc.

 

Xu hướng về bạn đời đã được định hình theo khuôn mẫu bố mẹ từ khi ta còn rất nhỏ.

 

Chẳng hạn, một người lớn lên với bố mẹ hướng ngoại có xu hướng ưa thích đặc điểm này, và do đó sẽ tìm kiếm một người có tính cách tương tự.

 

Yếu tố hoàn cảnh

 

Mô phỏng cũng có thể xảy ra với các đặc điểm không hề liên quan đến ngoại hình hay tính cách. Một bài nghiên cứu xuất bản năm 2002 trên Royal Society B: Biological Sciences cho thấy: những người được nuôi dưỡng bởi bố mẹ lớn tuổi có xu hướng chọn những bạn đời lớn tuổi hơn.

 

Hay một nghiên cứu ở Hawaii vào năm 1980 về các cuộc hôn nhân đa chủng tộc giữa các cặp đôi đã ly dị và tái hôn cũng cho thấy: 67% người tham gia chọn bạn đời có cùng sắc tộc với người bố hoặc mẹ khác giới của mình, bất kể đã kết hôn bao nhiêu lần. Đây là bằng chứng cho thấy các yếu tố nền tảng khác như tuổi tác và sắc tộc cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình mô phỏng.

 

 

 

Bóng ma quá khứ

 

Ngoài ảnh hưởng của mô phỏng, một giả thuyết khác được đặt ra là chúng ta cũng có xu hướng kết hôn với một người có lỗi tính cách giống hệt bố mẹ mình vì nó tượng trưng cho mong muốn giải quyết các vấn đề trong thời thơ ấu.

Tuy nhiên, vẫn phải thận trọng trước khi kết luận bởi ta luôn có lời tiên tri tự ứng nghiệm. Cụ thể, mối quan hệ với bố mẹ có thể ảnh hưởng đến việc liệu một người có muốn tìm kiếm những đặc điểm tương đồng ở bạn đời hay không. Trên thực tế, điều này có thể khiến một số người chủ động tìm kiếm một người hoàn toàn trái ngược với bố mẹ mình.


Ngoài ra, việc mô phỏng phải xảy ra trong độ tuổi bắt đầu phát triển về nhận thức, tức khoảng thời gian đầu sơ sinh (6 tuần đầu sau sinh), khi ta dễ tiếp thu và ảnh hưởng từ các tác động bên ngoài. Do đó, đối với những đứa trẻ lớn lên mà không có bố mẹ, việc mô phỏng sẽ xảy ra dựa trên những ảnh hưởng quan trọng khác từ bên ngoài.

Bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên