Muốn có bạn đời tài giỏi, bạn cần sở hữu các giá trị tương ứng.
Trong cuốn sách "The Upside of Irrationality" (Tạm dịch: Lẽ phải của phi lý trí"), nhà kinh tế học người Mỹ Dan Ariel đã phân tích bản chất của việc lựa chọn đối tác trong tình yêu, hôn nhân thông qua thử nghiệm của mình như sau:
Dan Ariely từng bày một trò chơi, với sự tham gia của 100 sinh viên đại học ở tuổi thành niên, bao gồm cả nam và nữ. 100 thẻ được dán vào lưng mỗi người chơi, đánh số thứ tự thấp nhất là 1, cao nhất là 100, và không người nào biết con số của mình, tuy nhiên có thể nhìn thấy con số của người khác. Hai bên được yêu cầu không được tiết lộ cho người kia con số của họ.
Yêu cầu của thí nghiệm là: Sau khi được dán số, mỗi người tìm cho mình một nửa họ cho là phù hợp nhất. Cặp đôi nào có tổng số điểm cao nhất (là điểm cộng hai con số dán sau lưng) sẽ giành chiến thắng với số tiền tương đương. Ví dụ chàng trai số 83 ghép đôi với cô gái số 74, họ sẽ nhận được 157 đôla.
Quy định của trò chơi cũng nêu rõ: thời gian ghép đôi có giới hạn. Ngoài ra, ai không tìm được đối tác, sẽ thua cuộc.
Khi trò chơi bắt đầu, vì không biết con số của mình, người chơi bắt đầu quan sát những người xung quanh. Những chàng trai, cô gái có số điểm trên lưng cao nhất nhanh chóng được phát hiện và được vây quanh, được thuyết phục: "Hãy ghép đôi với tôi", kèm theo là nhiều lời hứa hẹn: "Chúng ta sẽ là một đôi hoàn hảo". Từng người chơi thông qua đó sẽ biết được mức "giá trị" của chính mình, chính là dựa vào lượng đối tác tìm đến họ: Điểm của một người càng cao, càng có nhiều người tìm tới, và ngược lại.
Trong cuộc chơi, có những người điểm cao nhất, ai cũng mong muốn được "ghép đôi". Tuy nhiên, quy định của trò chơi chính là 1+1, thế nên, một người không thể ghép đôi với nhiều người khác. Người có số thứ tự cao (dù không biết mình là số bao nhiêu) bắt đầu trở nên kén chọn, đồng thời hình thành nhận thức: mình "cao giá" hơn những người xung quanh. Lựa chọn của họ sẽ là nhìn vào những người điểm cao, từ chối những người điểm thấp. Những người bị từ chối sẽ đi tìm những mục tiêu mới, ban đầu là 90, sau đó có thể là 80, 70, hoặc 60...
Trong khi đó, những người điểm thấp rơi vào cảnh bị thờ ơ, bị từ chối ở khắp nơi.
Một sinh viên cho biết, sau khi tham gia trò chơi, cảm nhận về cuộc sống của anh hoàn toàn thay đổi. Anh cảm thấy sự thoải mái, dễ chịu quen thuộc đã biến mất chỉ trong vài giờ, lý do là vì con số được dán trên lưng anh quá thấp, nên không ai bận tâm đến anh. Rất khó để có ai đó chịu ghép đôi với anh.
Vì quỹ thời gian có hạn, những người điểm số thấp sau đó có hai cách xử lý: một là tìm đến những người tương đồng với mình, ví dụ 5+6 = 11, họ có thể lĩnh thưởng 11 đôla, bởi vì ít còn hơn không có đồng nào. Hai là nói với những người điểm số cao nhất mà họ có thể "giao dịch" được, rằng tiền thưởng sẽ thuộc về đối phương tất cả, hoặc chia tỷ lệ phần trăm theo thỏa thuận... Có những người đã được chấp thuận.
Kết thúc trò chơi, kết quả là có những người không tìm được mảnh ghép, họ vội vàng tìm ai đó "chiếu lệ" để kết thúc trò chơi, bởi vì nếu không tìm được đối tác, họ sẽ thua.
Thông qua trò chơi, các nhà tâm lý học phát hiện ra nhiều điều thú vị về sự lựa chọn cặp đôi. Kết luận được cho khá giống với câu "môn đăng hộ đối".
Ví dụ, với chàng trai số 55, đối tượng của anh ta tới 80% là cô gái số thứ tự từ khoảng 50-60. Rất hiếm cặp có sự chênh lệch hơn mức 20.
Điều thú vị nữa là, cô gái số thứ tự 100 không phải cặp với người đàn ông số 99 hay 97, 96, mà là 73 - tức là chênh lệch 27 mức.
Sự khác biệt này là vì đâu?
Cô gái số 100 ban đầu là đối tượng vàng cho nhiều người theo đuổi. Chiến lược của cô cũng là "chọn mặt gửi vàng", tuyển lựa và không vội vàng đưa ra quyết định. Tuy nhiên, khi mọi người dần có đôi có cặp, cô hoang mang. Ở những phút gần cuối, cô đã lựa chọn người có số thứ tự gần như cao nhất, là số 73.
Thí nghiệm tâm lý mà Dan Ariely đưa ra là một phiên bản thử nghiệm đơn giản của hành vi tình yêu của con người trong thực tế.
Trong quá trình tìm kiếm đối tác, khi chúng ta gặp một người khác giới, bản năng của mỗi người là bắt đầu đánh giá giá trị - tức là "con số" của đối phương. Điều này hoàn toàn thuộc về tiềm thức. Hẳn nhiên, rất khó để đánh giá đúng giá trị thực của mỗi người, bởi không ai đặt con số cụ thể sau lưng đối phương để bạn nhìn như trong thí nghiệm của Dan Ariely. Cộng vào đó, mỗi người thường cố gắng phóng đại các giá trị của bản thân, gây ra sự thiếu chân thực. Vì vậy, chúng ta có khuynh hướng quyết định phán đoán của mình dựa trên phán đoán của người khác.
Các thử nghiệm cũng cho thấy rằng, nếu tình yêu là một trò chơi kết đôi như những thử nghiệm Dan Ariely đưa ra, điều quan trọng nhất chính là bạn biết được giá trị của bản thân cao như thế nào, cũng như giá trị của bạn cao mức nào trong mắt mọi người. Khi bạn quyết định được giá trị của mình ở mức nào, bạn có xu hướng chọn người có giá trị tương xứng, hoặc cao hơn, thay vì thấp hơn. Khi bạn có "giá trị" cao, được nhiều người chú ý, bạn sẽ chọn được những đối tượng tốt. Và ngược lại, nếu bạn có "giá trị" thấp, bạn buộc phải chấp nhận những giao dịch thiệt thòi cho bản thân để được ghép đôi, hoặc chọn người có giá trị thấp giống mình. Hoặc là bạn thua cuộc, không chọn được ai cả.
Thí nghiệm của Dan Ariely cho thấy thực tế: việc chọn đối tác như thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào giá trị của chính bạn. Khả năng để một người 100 điểm lựa chọn một người 1, 2 điểm là gần như không có. Vì thế, nếu bạn có giá trị thấp, sẽ không thể trông mong việc lựa chọn một đối tác giá trị cao.
Bản chất của hôn nhân là sự trao đổi lợi ích, giống như trong kinh tế học, mọi thứ đều được định lượng cụ thể. Hẳn nhiên, không hoàn toàn chính xác như kinh tế, về mặt tự nhiên, mỗi người đều là những sinh vật có cảm xúc, điểm yếu, vì vậy, điều kỳ diệu của hôn nhân là sự trao đổi lợi ích đôi khi không đồng đều. Nhưng về cơ bản, số phận, lựa chọn của mỗi người sớm gắn liền với giá trị của họ. Giá trị của bạn càng cao, bạn nhận được nhiều cơ hội, được nhiều người tìm kiếm, trọng vọng, và ngược lại.