Làm thế nào để mỗi cuộc hẹn hò khiến ta hiểu nhau hơn thay vì điều tra hộ khẩu?


Dễ lắm, nói không với chuyện phiếm.


Khi chuyện tình cảm của tôi đổ vỡ gần hai năm trước, tôi đã quyết định tạm dừng công việc định phí bảo hiểm ở Boston và đi nghỉ dài kỳ ở Costa Rica, tôi đã lên kế hoạch học cách lướt sóng và tập yoga ở đó. Vâng, đó là phản ứng dữ dội nhất của một gã trai Tây thất tình ở tuổi 32 như tôi.


Sau bốn tuần ở Costa Rica, tôi đang lái xe đi du lịch với một số bạn bè ở trường đào tạo lướt sóng thì chúng tôi gặp một người phụ nữ trung niên mặt đỏ bừng bừng xin đi nhờ xe ở ngoài rìa một ngôi làng nhỏ. Radio của chúng tôi đã bị hỏng và chúng tôi đang rất chán, vì vậy một cô gái trong nhóm, Abby, nói:


“Chúng tôi sẽ cho cô đi nhờ với hai điều kiện. Trước tiên, cô phải hát cho chúng tôi nghe một bài, và sau đó cô kể cho chúng tôi một câu chuyện. Cô có chịu không?”

Người phụ nữ đi nhờ là một người Mỹ. Cô ấy vừa cười khúc khích vừa gật đầu, giải phóng mái tóc của mình khỏi cái mũ lưỡi trai Disney.

“Các bạn muốn tôi hát gì?” Người phụ nữ hỏi.

“Cô thích gì thì hát nấy” tôi nói với cô ấy, “miễn là hát nhạc của Rod Stewart.”

Sau khi hát bài “Maggie May”, người phụ nữ bắt đầu kể chuyện.

“Thật thú vị khi các bạn yêu cầu tôi kể một câu chuyện,” cô nói, “bởi vì tôi đang sống đang trong một câu chuyện tình. Tôi đã đến Costa Rica một năm trước và gặp người đàn ông trong những giấc mơ của tôi. Anh ấy bán đồ trang sức tại ki ốt trong chợ. Anh ấy là người Ý, và tôi vừa nói chuyện với anh ấy thì tôi có một cảm giác chưa từng xuất hiện trong cuộc đời. Nó thình lình đến với tôi. Nghe giống như những tình yêu trong phim ảnh, nhưng lại là thật.”

“Vậy cô ở đây để gặp anh ta?” Một trong những người bạn của tôi hỏi.

“Vâng, tất nhiên rồi. Tôi đang đi về phía thị trấn để gặp anh ấy lần đầu tiên trong 12 tháng qua.”

Chúng tôi cười toe toét; bây giờ chúng tôi cũng là những nhân vật trong câu chuyện của cô ấy, những “bồ câu đưa thư” đưa người phụ nữ từ một con đường đầy bụi bặm đến với người đàn ông cô yêu.

“Anh ta có những cảm xúc giống như cô không?” Abby hỏi.

“Có chứ, anh ấy email cho tôi mỗi ngày để nói với tôi điều đó.”

Tôi quay sang cô ấy. “Cô vui khi gặp anh ta chứ?”

“Trong cả một năm trời, tôi đã không nghĩ về bất cứ điều gì khác ấy chứ.”

“Vậy cô đến đây chỉ để gặp anh ta thôi à?” Tôi hỏi.

“À, tôi cần phải làm thế mà, đúng không? Trái tim tôi tan nát khi phải xa anh ấy.” Cô gái ngừng lại hít một hơi. “Mặc dù chồng tôi cũng đến; anh ta trở về quê.”


Bàn tay của chúng tôi giơ lên với những câu hỏi.


Sau chuyến đi chơi, tôi ăn bít tết ở quán bar Boston, vẫn còn rất buồn vì người phụ nữ mà tôi nghĩ rằng tôi sẽ kết hôn, Alejandra, đã chia tay tôi. Tôi gặp cô ấy năm năm trước, và cô ấy là nguồn cảm hứng cho tôi. Cô ấy là người phụ nữ đã dạy tôi cách yêu một người.


Bên cạnh tôi là một cặp đôi hẹn hò lần đầu tiên. Tôi biết thế là vì cuộc trò chuyện của họ đã gợi tôi nhớ đến những trao đổi cứng nhắc với đồng nghiệp của vợ/chồng trong các bữa tiệc Giáng sinh. Họ bắt đầu nói chuyện về chuyến đi của họ đến quán bar. Cả hai đều sống trong bán kính 10 phút đi xe buýt, và họ kéo dài chủ đề này trong 30 phút.


Tiếp theo, họ nói về thời tiết: Tại Boston có những khi trời mưa, và cả hai đều nhận thấy điều này. Một giờ sau, họ quay sang những thứ thực sự sâu sắc. Một người là giáo viên, và một người quen biết một giáo viên. Họ có thể là gì của nhau nếu không phải là tình yêu đích thực?


O.K., tôi có thể xả một phần nóng giận vì thất tình lên họ, nhưng điều duy nhất tôi có thể nghĩ là tôi không muốn tham gia những cuộc nói chuyện kiểu này. Nếu độc thân đồng nghĩa với việc phải nói chuyện như họ, tôi thà không đi xem mặt còn hơn. Làm thế nào tôi có thể chuyển từ kết nối mật thiết mà tôi đã có với Alejandra sang nói chuyện lịch trình xe buýt và chuyện thời tiết?


Tôi lại nghĩ đến vỉa hè bụi bặm ở Costa Rica và người phụ nữ đã chia sẻ chuyện tình cảm với bốn người xa lạ. Tại sao chúng ta không thể cởi mở như cô ấy? Tại sao khi thường xuyên đi chung với một người lạ đồng nghĩa với việc ta không thể ngay lập tức nói về những điều ý nghĩa?


Với những câu hỏi này trong đầu, tôi quyết định quay lại với chuyện hẹn hò với tôn chỉ không-nói-chuyện-phiếm. Tôi không định rằng chúng tôi sẽ nhất nhất nói chuyện thành thật với nhau, lý tưởng nhất là tán tỉnh vui vẻ và trêu chọc dí dỏm. 


Tôi chỉ muốn loại bỏ những câu chuyện nhạt nhẽo về người thật việc thật - trời có tuyết rơi hay mưa gió, lạnh lẽo, những việc chúng tôi làm để kiếm sống, đi đến chỗ làm sẽ mất bao lâu - người ta nghĩ chúng ta cần chia sẻ những điều này với một người xa lạ nhưng thực tế, thông tin như thế lại nói lên rất ít về con người thực sự của ta.


Tại sao chúng ta không thay những câu chuyện phiếm bằng những câu chuyện có tầm vóc và hỏi người khác những câu hỏi sâu sắc ngay từ khi bắt đầu? Tại sao không thay những đoạn hội thoại vô bổ về thời gian đi làm bằng một câu chuyện về niềm tin mãnh liệt nhất và những nỗi sợ lớn nhất, những câu hỏi cho thấy chúng ta là ai và chúng ta muốn đi đến đâu?


Phải thừa nhận là có vài vấn đề với tôn chỉ này và bạn tôi rất vui vẻ chỉ ra nó. Họ tranh luận rằng một số người không thoải mái khi nhảy trực tiếp sang nói chuyện đao to búa lớn, rằng có những người cảm thấy nói chuyện phiếm rất dễ chịu.


Điều này đúng không có gì để nghi ngờ. Nhưng một người bạn khác phản bác: “Nếu cô ấy không thoải mái, vậy thì cô ấy không phải người dành cho bạn. Kế hoạch này sẽ là một bộ lọc đối tượng tốt”


Người bạn này vận hành hệ thống lọc kì lạ của mình bằng cách đưa cho đối tượng hẹn hò quả dừa trong buổi gặp đầu tiên, cậu ta khẳng định rằng bất cứ phụ nữ nào không nhận quả dừa đều không phải đối tượng kết hôn. Tại sao? Tôi cũng không biết. Dù vậy, tôi chấp nhận ý kiến của cậu ta.


Ngoài ra còn một lời phàn nàn phổ biến khác: Bạn không thể đặt ra những câu hỏi lớn cho đến khi bạn biết câu trả lời cho những câu hỏi nhỏ, bạn cần biết sự kiện để biết cần đào sâu ở đâu. Tuy nhiên tôi phản biện lại là bạn có thể đưa ra bất cứ câu hỏi nào từ lớn đến nhỏ chỉ với một chút điều chỉnh.


Một trong những câu hỏi tôi thường hỏi phụ nữ trong lần đầu gặp mặt là cô ấy đã đi du lịch đến những đâu. Câu trả lời có thể nhanh chóng biến thành một danh sách các địa điểm và một lần nữa, chúng ta như thể đang viết sơ yếu lí lịch. Thay vào đó, tôi hỏi: “Địa điểm nào truyền cảm hứng cho em nhất và lý do là gì?”


Thay vì hỏi nghề nghiệp, tôi sẽ hỏi: “Em đam mê công việc gì?”


Tôi sẽ không hỏi về mối quan hệ lâu dài nhất của cô ấy, đánh đồng thời gian với độ sâu sắc của tình cảm. Tôi sẽ hỏi: “Cảm giác em thích nhất trong tình yêu là gì?”


Cơ hội đầu tiên để áp dụng chiến thuật mới này vào thực hành đến khi tôi gặp một người phụ nữ ở một bữa tiệc vài tuần sau đó. Cô ấy cười phá lên khi tôi giải thích lí thuyết nói chuyện đao to búa lớn và nói chuyện phiếm và đồng ý làm đối tượng thí nghiệm.


Cô ấy sẽ chuyển đi vào tuần tới, nên chúng tôi đều biết rằng mình chỉ có một cơ hội này thôi, nhưng chúng tôi cam kết làm mọi thứ có thể để tránh nói chuyện phiếm. Đêm đó, chúng tôi nói những thứ lớn lao và đào sâu vấn đề. Tôi biết được em trai cô ấy nghiện thuốc, người yêu cũ cô ấy đã chia tay nhiều năm trước và những cảm giác cô ấy vẫn dành cho anh ta.


Nhưng chúng tôi cũng nói đùa về những thứ ngớ ngẩn và nông cạn. Chúng tôi cười rồi khóc, chúng tôi biết rằng chẳng có gì sẽ lưu lại trong giấy tờ của mình.


Cuối cùng chúng tôi hôn nhau.


Kể từ đó, tránh xa chuyện phiếm đã mang lại cho tôi hết trải nghiệm tích cực này đến trải nghiệm tích cực khác. Mỗi cuộc hẹn trở thành một kết nối thực sự, hay chí ít là một câu chuyện khôi hài. Tất cả những gì bạn cần có là tinh thần sẵn lòng đi sâu vào những cuộc đối thoại có thể khiến ta không thoải mái hoặc những thông tin nhiều người tin rằng không thích hợp chia sẻ với nhau khi mới gặp lần đầu. Mặc dù, sau đó, chúng ta tự nhiên bỏ qua các sự kiện mà tìm kiếm những suy nghĩ và cảm nhận từ sâu thẳm trái tim.



Nguồn: Theo NYTimes

Bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên