[Công an nhân dân] CEO Rudicaf trong bài phóng sự "Nhìn lại Năm Quốc gia khởi nghiệp 2016"

Bài đăng trên Báo điện tử Công an nhân dân ngày 15/1/2017.
Xem chi tiết bài viết tại đây.

(ANTV) - Chúng ta vừa trải qua năm 2016 với nhiều thành tựu kinh tế đáng ghi nhận. Trong đó, dấu ấn nổi bật nhất trong năm qua đó chính là sự thành công của Năm quốc gia khởi nghiệp.

 Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong một năm với số vốn đạt hơn 800.000 tỷ đồng. Làn sóng khởi nghiệp đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa trên cả nước. 
 
Được khởi sự tại Irasel, phát triển bước đầu tại thị trường Mỹ và do một người trẻ Việt sáng lập, đó chính là dự án khởi nghiệp Design Bold. Với ý tưởng xây dựng một công cụ thiết kế trực tuyến cho tất cả mọi người, anh Đinh Viết Hùng đã thành công khi đã thu hút được hơn 4000 khách hàng chỉ trong vòng 3 tuần đầu ra mắt.
 
Anh Đinh Viết Hùng - Người sáng lập Design Bold cho biết: Chúng tôi phát triển cái sản phẩm này xuất phát từ một cái ý tưởng tôi tham gia lớp học hơn 1 tháng tại Isarel. Đó cũng là những ngày đầu tiên chúng tôi viết những dòng code đầu tiên xây dựng những protype đầu tiên. Sau một năm chúng tôi chính thức chạy tại thị trường Mỹ. Và những kết quả, hiệu ứng của thị trường Mỹ cho thấy là đội ngũ Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được 1 sản phẩm khách hàng nước ngoài chấp nhận rộng rãi.
 
Trong năm 2016, với nhiều ý tưởng mới, cung cấp cho xã hội những loại dịch vụ, sản phẩm mới, không chỉ Design Bold mà rất nhiều dự án khởi nghiệp khác trên nền tảng công nghệ thông tin đã để lại nhiều dấu ấn thành công như: icheck, lozi, Monkey Junior, ... Công nghệ thông tin được khẳng định là một trong những lĩnh vực tiên phong trong làn sóng khởi nghiệp.
 
Ông Amarnath Reddy - Giám đốc điều hành Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam cho biết: Theo tôi, IT và thương mại điện tử là hai lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất. Nghiên cứucủa OECD cho thấy năng lực vượt trội về toán học của người Việt, đó chính là nền tảng của sự thành công trong hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, thách thức của 2 lĩnh vực này là hiện nay có nhiều dự án có ý tưởng tương tự nhau, trên giấy tờ các dự án này có vẻ khả thi, tuy nhiên trên thực tế lại gặp nhiều trở ngại, việc xây dựng ý tưởng ban đầu thì dễ, nhưng cần phải thiết kế được mô hình kinh doanh đem lại lợi nhuận và thành công bền vững.
 
Bên cạnh lĩnh vực mới đầy tiềm năng là công nghệ thông tin, khởi nghiệp còn thổi làn gió mới vào một lĩnh vực vốn rất truyền thống là nông nghiệp. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, song thực tế chưa đến 1% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong năm 2016, đã có không ít thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào đầu tư phát triển nông nghiệp với những cách làm mới, sáng tạo.
 
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế nói: Nông nghiệp vốn là một lĩnh vực đầy khó khăn, đầy rủi ro thách thức và vì rủi ro cao nên lâu nay ngay cả thu hút đầu tư của tư nhân hay nước ngoài vào nông nghiệp là vô cùng khó khăn nhưng nhiều bạn trẻ ở nông thôn đã bắt tay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và thành công. Thành công của họ không chỉ là đưa ra được những mô hình phát triển nông nghiệp mới, làm nông nghiệp với chất lượng cao tính, an toàn cao truy xuất được nguồn gốc và hàng của họ đưa ra thị trường rất là thành công.
 
Không dừng lại với thị trường trong nước, bước đột phá lớn của cộng đồng khởi nghiệp năm 2016 đó là đã có nhiều dự án khởi nghiệp với quy mô toàn cầu, hướng tới phục vụ thị trường quốc tế. Điều này không chỉ khẳng định sự trưởng thành của cộng đồng khởi nghiệp mà còn là một tín hiệu vui cho công cuộc hội nhập của nền kinh tế. Những thành công của năm khởi nghiệp quốc gia sẽ là tiền đề để chúng ta hướng đến mục tiêu năm 2020, Việt Nam có ít nhất một triệu doanh nghiệp tốt phát triển cùng đất nước.
 
Một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công mạnh mẽ của năm quốc gia khởi nghiệp 2016 đó chính là những nỗ lực, cam kết và hành động mạnh mẽ của Chính phủ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong suốt một năm qua. Từ những lời nói của người đứng đầu chính phủ cho đến những chính sách, nghị định được ban hành đều đã tạo ra một môi trường thuận lợi, bước đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
 
Đã từng khởi nghiệp vào năm 2011 với ý tưởng về một ứng dụng trong lĩnh vực hẹn hò và kết nối con người, tuy nhiên chị Vũ Nguyện Ánh phải dừng kinh doanh sau 1 năm rưỡi hoạt động vì nhiều khó khăn và thiếu sự hỗ trợ. Đến năm 2016, khi khởi nghiệp lại lần thứ 2 với Rudicaf, chị Nguyệt Ánh đã thấy được sự khác biệt rất lớn.
 
Chị Vũ Nguyệt Ánh - Người sáng lập và điều hành Rudicaf nói: Khi mà tôi quay trở lại khởi nghiệp lần thứ 2 năm 2016 rõ ràng có sự hỗ trợ từ rất là nhiều phía. Trước hết là truyền thông, đang rất là quan tâm đến start up và hỗ trợ cho start up rất nhiều trong việc lan tỏa, quảng bá các sản phẩm đến với người dùng và đó là thuận lợi đầu tiên. Thứ hai là về phía chính phủ thì rõ ràng từ đầu năm đến giờ chúng ta đã thấy có rất nhiều cái động thái chương trình cụ thể. Đầu tiên là tinh thần rất là lên vì có Chính phủ ở bên cạnh, đồng hành, ủng hộ.
 
Bên cạnh nhiều chính sách hỗ trợ chung cho cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2016, Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp. Một trong những sự kiện để lại nhiều dấu ấn nhất trong năm 2016 đó chính là việc Chính phủ đề xuất bỏ điều 292 của Luật Hình sự trước những ý kiến của cộng đồng khởi nghiệp.
 
Anh Đinh Viết Hùng - Người sáng lập Design Bold nói: Đúng là năm 2016 chúng ta đã thấy được sự lắng nghe cũng như những câu trả lời rất là kịp thời, những chính sách, những thay đổi rất là ủng hộ cho cộng đồng khởi nghiệp. Cụ thể là qua sự kiện 292, đề án 2844 của Bộ Khoa học công nghệ, thì đó là những cái tín hiệu, những cái chính sách mà thực sự rất phù hợp cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam
 
Chị Vũ Nguyệt Ánh - Người sáng lập và điều hành Rudicaf cho biết: Ví dụ như việc xóa bỏ điều luật 292. Để Chính phủ, ghi nhận đồng ý xóa bỏ cái điều đó cũng là một điều rất khích lệ. Và chúng tôi mạnh dạn hơn trong những việc là đóng góp cùng với Nhà nước để xây dựng và điều chỉnh những cái điều luật hỗ trợ cho start up tốt hơn.
 
Cùng với đó, đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” cũng đã được Chính phủ thông qua trong năm 2016. Sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ đã tạo ra một môi trường khuyến khích các nhà đầu tư, quỹ mạo hiểm. Đến nay, tại Việt Nam đã có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp. Không ít doanh nghiệp khởi nghiệp đã đón được những làn sóng đầu tư triệu đô như: The Kafe, Lozi, Toong Co-working Space. Bên cạnh đó, trong năm 2016 đã có hàng loạt các sự kiện khởi nghiệp, kết nối cộng đồng khởi nghiệp; hệ thống các đơn vị hỗ trợ, cố vấn cũng đã được hình thành.
 
Ông Amarnath Reddy - Giám đốc điều hành Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam cho biết: Chính phủ Việt Nam cũng như các bên liên quan như nhà đầu tư và các hiệp hội doanh nghiệp đã nhìn nhận tầm quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp. Chính phủ VN đã thông qua Quyết định số 844 xây dựng nền tảng cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đến năm 2025, đồng thời trong thời gian tới sẽ có một số thông tư, nghị định liên quan từ các bộ ban ngành. Tất cả những nỗ lực này nhằm hướng tới phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp có sự điều phối tốt gữa các bên trong tương lai.
 
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế nói: Tôi nghĩ trong năm 2016 chính phủ cũng như nhiều cơ quan ban ngành địa phương đã có những cố gắng rất lớn thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ở nước ta. Đây thực sự là một tinh thần tốt, chúng ta đang hướng đến năm 2020 có một triệu doanh nghiệp nhưng điều quan trọng là trong số những doanh nghiệp đó phải có càng ngày càng nhiều những doanh nghiệp bắt đầu công việc kinh doanh của mình theo tinh thần khởi nghiệp có nghĩa là ứng dụng đổi mới sáng tạo trong ứng dụng công nghệ hoặc phương thức quản lý. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc trong năm qua và kết quả rất xứng đáng với những nỗ lực đó.
 
Phát biểu tại buổi Lễ phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp vào tháng 10/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định giá trị của phát triển bền vững khởi nghiệp không chỉ là thành công của một dự án tài chính, dự án kinh doanh mà còn là giá trị về xã hội, về tính nhân bản, đem lại sự khác biệt và được xã hội tôn trọng.
 
Đó chính là giá trị cốt lõi của các dự án khởi nghiệp và cũng là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững trong tương lai.

B.T
(Theo Công an Nhân dân)