Trong tập hôm qua của phim truyền hình đang siêu đình đám “Hương vị tình thân", khán giả đã có 1 phen “bẻ lái" rất ngoạn mục khi đang từ phe “anti" bà Xuân cực độ, ghét như hắt nước đổ đi, chửi bới không thương tiếc, thì giờ a la xô chuyển sang “thương cảm", “tội nghiệp" vô cùng khi thấy bà Xuân đòi tự tử vì đau khổ, vì “cô đơn giữa dòng đời" khi chồng con không tôn trọng, mẹ đẻ thì không chứa chấp.
Thực ra, là 1 người phụ nữ, xem những cảnh bà Xuân vừa khóc vừa nói “Em cô đơn lắm”, mình cũng thấy thương chứ. 1 người phụ nữ “vợ đại gia" tưởng ăn sung mặc sướng, quần là áo lượt (bỏ nhà đi vẫn ăn mặc rực rõ, trang điểm, tóc tai lồng lộn cơ mà), thế nhưng lại “cô đơn trong chính gia đình của mình", không được tôn trọng, cảm thấy không được yêu thương, muốn về với bố mẹ đẻ cũng bị chối từ.
Ok Thương đấy, nhưng KHÔNG phải là yêu thương - cảm thương, mà thực sự chỉ là THƯƠNG HẠI.
Về tình cảm, là con người, nhìn thấy ai đau khổ, gặp nghịch cảnh, thì nhân tính cũng làm cho người ta thấy thương.
Nhưng về lí trí, thì rõ ràng, cần phải biết ngọn nguồn căn nguyên nỗi khổ của mỗi người ở đâu, để “tiên trách kỉ - hậu trách nhân", để biết rút kinh nghiệm, để “cải thiện cuộc sống" cho đời bớt khổ, còn nếu không, sẽ là tình thương mù quáng, không có trí tuệ.
Có thể đâu đó sẽ lại có người nhắc nhở “Yêu thương không phán xét".
Cơ mà xin lỗi, tôi với bà Xuân là người dưng nên tôi không yêu thương gì và cũng không có lí do để “không phán xét", nên tôi vẫn cứ thấy phải “phán xét" để chia sẻ 1 góc nhìn khác về “phụ nữ tội nghiệp" - từ góc nhìn của 1 người phụ nữ không bao giờ nghĩ mình tội nghiệp.
Chân dung bà Xuân ư?
1 người phụ nữ bẩm sinh xinh đẹp, đầu óc và sức khoẻ bình thường, gia đình có điều kiện (bố mẹ ở nước ngoài).
Ok mình ko đủ thông tin về bố mẹ nên không biết tuổi thơ có được yêu thương và chăm sóc đầy đủ không, nhưng bố mẹ và hoàn cảnh gia đình là cái mình không chọn được nên mình không bóc tách ở đây nhiều (đoạn cuối bài tôi sẽ nói thêm quan điểm chung về vấn đề này).
19 tuổi (thì phải) có bầu nên lấy ông Khang, sau này suốt ngày lải nhải “vì anh - vì con mà em từ bỏ cái lọ cái chai, vì cái gia đình này mà em hi sinh cái này cái khác".
Nói thật mình nghe cái này nhiều quá (cả trong phim lẫn ngoài đời), mình thấy chối lắm (ghê gớm nhờ ).
Đành là phụ nữ có 9 tháng 10 ngày bầu bí thai nghén vất vả, nuôi con chăm con mệt mỏi, nhưng rất nhiều người phụ nữ có ý chí, có nỗ lực, họ không bao giờ “đổ lỗi" cho việc “hi sinh” vì chồng con để ngụy biện cho sự ỳ trệ và kém phát triển của bản thân.
Ngay trong cuốn sách “Lean in” COO của Facebook Sheryl Sandberg viết, dù cô ấy cũng phân tích rất nhiều về những thiệt thòi của phụ nữ liên quan đến việc sinh đẻ, chăm sóc con cái, làm việc nhà…, dù cô ấy cũng chia sẻ rất nhiều điểm hạn chế tác động lên sự thăng tiến và phát triển của phụ nữ do đặc thù giới tính, tuy nhiên, như chúng ta thấy, cô ấy vẫn thành công, và rất nhiều phụ nữ khác trên toàn thế giới - bao gồm cả Việt Nam vẫn rất thành công, song song bên cạnh vẫn duy trì được cuộc sống gia đình (hạnh phúc đến đâu thì cũng tuỳ độ “may mắn" và “tiêu chuẩn" của mỗi người, chả có gì là tuyệt đối và hoàn hảo cả).
Như vậy rõ ràng, bà Xuân có thể lựa chọn khác.
Ok kết hôn sớm vì có bầu cứ cho là “tai nạn" do nhận thức non nớt đi, nhưng rõ ràng sinh con xong, người phụ nữ có thể quay lại cuộc sống và công việc cơ mà. Rõ ràng Long khoẻ mạnh bình thường không bệnh tật, rõ ràng gia cảnh nhà chồng không có gì lâm li bi đát, vậy thì việc “ở nhà nội trợ, không học hành tiếp, không phát triển công việc tiếp" là do bà Xuân, chứ không phải do ông Khang gia trưởng độc đoán hay bà mẹ chồng ghê gớm, ghét con dâu.
Phụ nữ trưởng thành rồi, làm mẹ rồi, đừng bắt người khác chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, đừng đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của mình nữa, mà cần nhìn thẳng vào sự thật là “Mình lười, mình ỷ lại, sức ỳ lớn, mình gào lên thiệt thòi này nọ”, nhưng vấn đề là “mình" chỉ ngồi đấy mà kêu thôi, không hành động, không đứng dậy để tự cải thiện cuộc sống, thay đổi cuộc đời mình, chỉ biết thụ động ngồi im hưởng cuộc sống đầy đủ, dư dả chồng đem lại, xong hơi tí là gào lên “Vì anh mà em phải thế".
Ơ mình lớn từng kia rồi, bố mẹ còn không bắt được thì chồng với mẹ chồng BẮT ÉP làm sao được?
Mình chọn nghe theo, cũng là mình CHỌN.
Mình chọn hi sinh, cũng là mình CHỌN.
Mình chọn chấp nhận, cũng là mình CHỌN.
Không ai phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình cả đâu “mình” Xuân ạ!
Rồi tiếp, đến lúc thành phụ nữ trung niên rồi, bà Xuân đã “hoàn thành nhiệm vụ phụ nữ hi sinh cao cả" với 2 con trai đẹp trai khoẻ mạnh thông minh, gia đình giàu có rồi, bà lại tiếp tục bất mãn vì “Chồng không tôn trọng, mẹ chồng ghê gớm lú lẫn, con cái không quan tâm”.
Nói thật là mình cũng không thích ông Khang tí nào vì ông vừa gia trưởng, độc đoán, thiếu tinh tế, không tâm lí, yêu mẹ thì tốt nhưng lại bị cực đoan đến mức vô tâm và thiếu tôn trọng cảm xúc tất cả những người còn lại trong gia đình.
Nhưng thôi cái đó là cái “không thay đổi được" (xét từ góc độ bà Xuân). Rõ ràng, mình không bao giờ thay đổi được hoàn cảnh hay người khác, mà mình chỉ thay đổi được chính bản thân mình mà thôi.
Bà Xuân suốt ngày gào lên “Anh chỉ yêu mẹ anh thôi, anh không tôn trọng em, không ai coi em không có giá trị…”.
Ơ kìa, thực sự là tìm mãi chưa thấy lí do để mà tôn trọng hay thấy bà í có giá trị trong gia đình này luôn í.
Thôi thì xung đột với mẹ chồng đã đành, đành là mẹ chồng ghê gớm lú lẫn đi, nhưng vấn đề là bà Xuân chưa bao giờ “dùng đúng cách” để “thu phục nhân tâm" mẹ chồng, mà chỉ hoặc là giả lả thảo mai kiểu “tôi đang nhịn nhục lắm đây này", hoặc là sồn sồn lên xấc láo vô lễ.
Nên hiểu, con người ta nhạy cảm lắm, ai yêu mình - ai ghét mình, mình biết chứ. Bà mẹ chồng ghê gớm này nào phải người quá quắt đến mức không có tình cảm, mà rõ ràng bà ấy tuy là người đỏng đảnh khó chiều như trẻ con, hay lú lẫn nhưng là người tình cảm và luôn khao khát được yêu thương. Vấn đề là bà Xuân không yêu thương người ta, thì cũng không thể mong là người ta yêu thương mình. Ý tôi ở đây không trách bà Xuân (vì bị mẹ chồng đối xử như thế cũng khó mà vui vẻ yêu quý được), mà tôi chỉ nói là bà đừng kì vọng là mình “giả vờ yêu quý" người ta mà bắt người ta “thật lòng yêu quý" lại mình, đó là điều không thể!
Đến chồng, biết là người gia trưởng độc đoán rồi nhưng mà cứ đối đầu kiểu dở hơi, mặt vênh váo lên cãi chày cãi cối không có lí lẽ. Hơi tí giận dỗi bỏ đi, làm trò lố để trêu tức, xong bị doạ cho mấy câu lại cun cút đi về. Hiểu đơn giản là mồm thì to nhưng vẫn “sợ mất”, không dám từ bỏ vỏ bọc hào quang gia đình quyền quý, không dám bứt ra khỏi vùng an toàn vì suy cho cùng chả biết kiếm tiền tự nuôi sống bản thân, chả biết sống độc lập là như thế nào, chả tự lo được cho mình để mà dám li hôn.
Chưa hết, cái CHỌN “dốt" nhất của bà Xuân nằm ở vấn đề CHỌN BẠN.
Ôi trời, 1 đội “bè" đúng nghĩa, không được 1 cái ưu điểm gì.
Suốt ngày bạn bạn - tôi tôi tình như tỉ muội. Chụp ảnh check-in tươi xinh lồng lộn, gặp nhau ngọt nhạt đầy yêu thương trìu mến, nhưng hở tí là đâm nhau sau lưng, nói xấu nhau, công kích nhau, đâm chọc gây hiềm khích.
1 bà thì thâm hiểm, suốt ngày lăm le moi tin và “bơm vá" với mưu đồ “gài cắm" con gái mình làm dâu nhà giàu.
1 bà thì cư xử vô học, chợ búa, nói chuyện cực kì kém văn hoá (đoạn đến bênh cô cháu Thiên Ngỗng, chửi vỗ mặt cả mẹ chồng và chồng của bạn như hát).
1 bà thì bày mưu lừa bạn thi sắc đẹp, gây quỹ từ thiện để chiếm đoạt tiền và bỏ trốn cùng bồ.
Thực sự là 1 “bộ tứ siêu đẳng", xuất sắc miễn chê.
Người ta bảo “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào".
Cứ nhìn 3 cô bạn thân chí cốt của bà Xuân, đủ biết tại sao chồng bà Xuân không tôn trọng nổi bà ấy rồi nhé!
Nói chung, đời con người có 5 SỰ LỰA CHỌN QUAN TRỌNG nhất, bà Xuân đều fail cả:
- Chọn LẼ để SỐNG: Nhìn sơ có vẻ “lẽ sống” của bà Xuân là vì gia đình, vì chồng con - là 1 lẽ sống cao cả và đáng trân trọng của rất nhiều người phụ nữ truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, khi bà không bao giờ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với lẽ sống ấy, không biết cách để tìm được hạnh phúc với lẽ sống ấy, luôn bất mãn và thấy bất công vì lựa chọn đó, thì sự lựa chọn này là không đúng - với cá nhân bà Xuân.
- Chọn THẦY để HỌC: Chẳng thấy có thầy nào, và cũng không có mong muốn học hỏi phát triển bản thân (thầy ở đây không nhất thiết phải là thầy trong trường học mà có thể là thầy trong “trường đời", là những cuốn sách hay, là 1 người thân… - nhưng bà Xuân đều không có)
- Chọn BẠN để CHƠI: Chọn bạn siêu lởm, như đã phân tích ở trên
- Chọn VIỆC để LÀM: Chọn làm nội trợ không hề sai, nhưng vấn đề là suốt ngày coi đó là “1 sự hi sinh cao cả" và oán hờn cả thế giới vì sự chọn đó, thì lại thành SAI thật mất rồi!
- Chọn NGƯỜI để LẤY: 1 ông chồng gia trưởng, độc đoán, kém tinh tế như ông Khang may ra cần 1 người phụ nữ mềm mại, dịu dàng, biết quan tâm chăm sóc, nhường nhịn, bao dung thì mới phù hợp và dung hoà được, như đây là 1 người hâm hâm đơ đơ, đã kém lí lẽ lại còn hay “thích bật" như bà Xuân thì thực sự là 1 sự matching đầy bi kịch
Vậy thì rõ ràng, bà Xuân đau khổ, cô đơn, “thiệt thòi" KHÔNG PHẢI là do bà ấy là PHỤ NỮ, MÀ LÀ DO bà ấy là 1 người phụ nữ vô minh, ấu trĩ, có quá nhiều sự lựa chọn sai lầm trong đời, và luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh và mọi thứ xung quanh về những nỗi khổ trong cuộc sống của mình.
Đành là phụ nữ vốn sinh ra đã có nhiều “thiệt thòi" nhất định về giới tính, như là thể chất yếu đuối hơn, tâm hồn mong manh hơn, vốn mang “trọng trách" sinh đẻ mà đàn ông không thay thế được, như là xã hội nhiều định kiến, có những “phân biệt đối xử nhất định". Cơ mà đó là tạo hoá sinh ra vốn vậy rồi, hoàn cảnh xã hội khách quan là vậy rồi, ta không thay đổi được, thì than trách và “kể khổ” phỏng ích gì cơ chứ?
Đàn ông cũng có những “thiệt thòi" riêng mà. Họ là phái mạnh, họ auto mang trọng trách “gánh giang sơn", họ phải “tề gia - trị quốc - bình thiên hạ", họ vừa phải là trụ cột gia đình về kinh tế, lại cả tinh thần - thì mới được đánh giá cao và được tôn trọng. Họ phải giúp phụ nữ việc nặng để không bị coi là “kém ga lăng", họ phải kiếm ra tiền, phải thành công trong sự nghiệp, phải có tài sản, có ý chí thì mới được coi là “soái ca" trong lòng chị em phụ nữ.
Những người đàn ông yếu đuối về thể chất, không tham vọng kiếm tiền, không mạnh mẽ quyết đoán thì bị coi là “đồ bỏ đi", bị chê bai khinh thường… Ơ, đó chả phải là “phân biệt đối xử", chả phải là “bất công” với đàn ông hay sao?
Vậy thì hãy hiểu rằng, sinh ra trên đời, ai cũng đều bị “phân biệt đối xử" hết thảy.
Phụ nữ có sự thiệt thòi riêng, Đàn ông cũng có những nỗi khổ tâm riêng.
Vốn chúng ta không nên đòi sự “công bằng", bởi vì khi cứ đòi 1 thứ ko bao giờ có, chỉ làm cho chúng ta thêm khổ sở, mệt mỏi và bất mãn.
Việc của chúng ta là làm tốt nhất việc của mình, trong hoàn cảnh và điều kiện của mình, luôn nỗ lực hoàn thiện, học hỏi và phát triển để bản thân mình tôn trọng mình trước, sau rồi người khác sẽ phải auto tôn trọng mình nếu mình có giá trị tự thân, là 1 người có văn hoá, hiểu biết, biết tôn trọng người khác và luôn nỗ lực tiến lên (khi đó ai không tôn trọng thì cũng nên bỏ qua, chẳng bận tâm làm gì cho tốn bộ nhớ).
Tôi đã từng đọc/nghe/xem về câu chuyện của nhiều người phụ nữ, họ sinh ra có dị tật bẩm sinh về cơ thể hoặc về sinh học (không thể có con), những người phụ nữ bị bố mẹ - người thân bạo hành từ bé, những người phụ nữ sinh con tật nguyền bẩm sinh hoặc gặp tai nạn mà bệnh tật suốt đời. Với tôi, đó mới là những người phụ nữ tôi thực sự thương cảm, cảm thấy thực sự họ kém may mắn hơn chúng ta, và xứng đáng được yêu thương, giúp đỡ.
Còn những người lành lặn khoẻ mạnh, có gia đình bình thường, có cơ hội học hành phát triển bình thường (chẳng ai là bình thường 100% cả, ít nhất là trên mức trung bình cả về vật chất lẫn tinh thần là tạm được rồi), thì vấn đề nằm ở SỰ LỰA CHỌN, chứ KHÔNG PHẢI LÀ DO SỐ PHẬN.
Bạn không được chọn bố mẹ, vậy nên nếu bố mẹ bạn nghèo khổ, bệnh tật, tâm thần bất thường mà hành hạ bạn, đó là do số phận.
Bạn không kiểm soát được rủi - may, nên nếu bạn bẩm sinh đã bệnh tật, khiếm khuyết, hoặc gặp tai nạn, bệnh tật, đó là vì số phận.
Bạn không được chọn con cái, vậy nên nếu con cái bạn bẩm sinh đã bệnh tật, khiếm khuyết, hoặc gặp tai nạn, đó là bởi số phận.
Còn CHỒNG - là bạn chọn yêu, chọn cưới, chọn sống chung, chọn “cố đấm ăn xôi” ở lại không buông bỏ - dù bạn đã làm 1 trong số hay tất cả những điều trên, thì tất cả đều là SỰ LỰA CHỌN
Còn CÔNG VIỆC - là bạn chọn xin vào, bạn chọn làm ở đó, bạn chọn “cố đấm ăn xôi” ở lại không buông bỏ - dù bạn đã làm 1 trong số hay tất cả những điều trên, thì tất cả đều là SỰ LỰA CHỌN
Đừng nói là bố mẹ bắt, vì bác sĩ bảo, vì sức ép từ ABC, vì “dòng đời xô đẩy”, vì “hoàn cảnh phải thế”.
Những thứ đã không nằm trong phạm trù SỐ PHẬN, thì tất cả đều là SỰ LỰA CHỌN!
Vậy nên bạn ạ, PHỤ NỮ vốn KHÔNG TỘI NGHIỆP, vì người PHỤ NỮ vốn có quyền LỰA CHỌN có gắn chữ “TỘI NGHIỆP" vào cuộc đời của mình hay KHÔNG .