Trong 1 bộ phim mà tôi xem gần đây, có 1 câu chuyện về 1 người chồng làm Nhân viên Pháp chứng cùng cô vợ làm Luật sư. Họ yêu nhau khá lâu trước khi cưới, lấy nhau sinh 1 cô con gái, gia đình rất hạnh phúc, yên ấm; 2 người yêu nhau rất ngọt ngào và êm đềm. Tuy nhiên có điều bắt đầu gợn lên là càng ngày, người chồng càng nhận ra là vợ mình quá hiếu thắng, quá tham vọng trong sự nghiệp đến nỗi đôi khi bất chấp nhiều thứ. Chưa đến nỗi đi vào thái cực xấu xa hay tha hoá gì, nhưng ví dụ như cô ấy sẵn sàng đứng ra bào chữa cho tội phạm giết người – chỉ vì người đó giàu và có địa vị cao, dù trong thâm tâm cô ấy biết kẻ đó đích thực đã giết người. Cô ấy còn nhắm mắt làm ngơ cho việc bắt cóc & thủ tiêu nhân chứng để bảo vệ cho kẻ giết người đó, thậm chí sẵn sàng “lừa nhẹ” những người trong gia đình của mình để giành được lợi thế trong phiên toà.
Thực ra, xét ở góc độ “chuyên nghiệp”, cô ấy khẳng định mình hoàn toàn có lí, bởi vì mục tiêu cao nhất của Luật sư là bảo vệ thân chủ, chỉ cần thắng là được.
Cô ấy cũng muốn “công -tư phân minh”, bất chấp việc bố chồng là nhân chứng, chồng làm pháp chứng, để nỗ lực giành chiến thắng trong phiên toà.
Sau câu chuyện đó, tình cảm vợ chồng có nhiều rạn nứt nghiêm trọng. Và dù 2 người cũng thử cố gắng thêm, nhưng rồi lại thêm 1 “cú chốt” nữa, khiến 2 người quyết định li hôn.
Chuyện là sau phiên toà đó, cô vợ được 1 Chủ tịch tập đoàn lớn mời về làm Lãnh đạo cao cấp, quản lí toàn bộ hệ thống tư vấn pháp luật cho Tập đoàn ông ta.
Người chồng rất không đồng tình, vì vị CTTĐ đó dù giàu có nhưng mọi người đều luôn cho rằng ông ta làm giàu bất chính, gây dựng sự nghiệp bằng buôn bán ma tuý và buôn lậu.
Người vợ thì cho rằng ông ta có rất nhiều mảng kinh doanh, và cô ấy tin hoàn toàn có thể giữ mình không dính dáng gì đến những việc làm phi pháp của ông ta – nếu có. Quan trọng đó là 1 cơ hội rất lớn, 1 cột mốc mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp mà cô ấy không thể bỏ lỡ. Và cô ấy quyết định li hôn vì thấy quan điểm của 2 vợ chồng đã quá xa nhau, ko thể cứu vãn được thêm.
Thực ra câu chuyện này cũng không có gì là mới mẻ hay lạ lẫm, trong cuộc sống vốn có rất nhiều câu chuyện tương tự vẫn xảy ra hàng ngày.
Cũng có người nghe chuyện sẽ đánh giá ở góc độ cô vợ này coi trọng sự nghiệp hơn gia đình, và vì tham vọng nên hi sinh gia đình.
Cũng có người cho rằng đôi này không biết nỗ lực giữ gìn hạnh phúc gia đình, không biết hi sinh “cái tôi” vì đứa con, có chút chuyện “vặt vãnh” như vậy mà không biết thông cảm và bỏ qua cho nhau để duy trì tổ ấm hạnh phúc đang có…
Tôi thì nhìn câu chuyện này ở góc độ khác.
Đây là 1 “case study” điển hình cho 1 điều mà tôi hay chia sẻ với khách hàng, với những người mà tôi tư vấn cũng như với mọi người xung quanh: “Trong tình yêu và hôn nhân, muốn đồng hành lâu dài được thì cơ bản phải tương đồng về THẾ GIỚI QUAN, NHÂN SINH QUAN và GIÁ TRỊ QUAN”
(P.s: Tất nhiên sự tương đồng không đảm bảo cho tính lâu dài của mối quan hệ, nhưng nếu không tương đồng thì chắc chắn sẽ không thể bên nhau lâu dài)
Nghe mấy cái “quan quan” đấy có vẻ “nguy hiểm” và to tát nhỉ. Thực ra tôi cũng vốn hiểu nó theo cách nôm na và gần gũi nhất thôi.
- NHÂN SINH QUAN là cách chúng ta nhìn nhận về con người, về cuộc sống.
- THẾ GIỚI QUAN là cách chúng ta nhìn nhận về thế giới xung quanh, về những gì đang diễn ra hàng ngày, về các chuẩn mực, về khái niệm đạo đức, luân thường…
- GIÁ TRỊ QUAN là cách mà chúng ta cho rằng những thứ này là đáng giá, thứ kia không đáng giá, thứ khác vô giá hay đặc biệt giá trị…
Hiểu đơn giản vậy cho nó đỡ lằng nhằng nặng mùi sách vở.
Tôi vẫn luôn tin rằng trong tất cả các mối quan hệ, muốn đồng hành cùng nhau lâu dài đều phải có sự tương đồng về những yếu tố này, tuy nhiên, đặc biệt là với mối quan hệ tình yêu, hơn nữa là hôn nhân thì gần như là BẮT BUỘC – KHÔNG THỂ THIẾU.
Kể như trường hợp cô vợ nói trên – trong bộ phim ấy, hình tượng nhân vật này không phải là phản diện. Cô ấy không phải người xấu, cũng không làm hại ai hay cố tình vi phạm pháp luật. Cô ấy chỉ nghĩ theo hướng của mình, tin mình không sai và cho rằng vậy là đủ.
Cơ bản cô ấy cho rằng làm luật sư thì việc bảo vệ thân chủ là trách nhiệm và nhiệm vụ công việc, vậy thì bằng mọi cách cãi thắng ở phiên toà không có gì sai cả.
Cô ấy nghĩ làm việc cho người bị đồn là buôn ma tuý hay buôn lậu thì sao chứ, thứ nhất là chưa có bằng chứng xác thực (luật sư phải nói bằng chứng), thứ hai đó là 1 cơ hội quá lớn nên cô ấy cứ phải chớp lấy đã, chuyện khác tính sau.
Người chồng thì cho rằng làm như vậy là vi phạm các chuẩn mực đạo đức, và với anh ấy – 1 nhân viên pháp chứng có tâm và rất nhiệt huyết với công cuộc đấu tranh chống tội phạm, thì anh ấy cảm thấy không thể chấp nhận được.
Như vậy, theo tôi, họ chia tay là hợp lí, vì có cố chung sống tiếp thì cũng sẽ không thể dung hoà 2 luồng tư tưởng, 2 hướng tư duy như vậy được.
Tôi rất nhớ cái cách mà trước đó họ đã ngọt ngào bên nhau như thế nào, để rồi đến 1 ngày phát hiện ra "2 người chung gối nhưng thực tế là ở 2 thế giới", họ đã phải nghẹn ngào nói với nhau trước khi li hôn:
"Sao em trở nên ĐÁNG SỢ như vậy?"
"Sao anh trở nên NGÂY THƠ như vậy"
Đáng sợ hay Ngây thơ, suy cho cùng cũng là từ góc nhìn từ mỗi người mà thôi.
Có thể kể thêm 1 vài case study khác tương tự để dễ hình dung.
Ví dụ 1:
1 người (A) ở công ty dùng nhiều “chiêu mánh” để ăn chênh lệch từ các hợp đồng mua bán của công ty với Nhà cung cấp, hoặc lấy giấy tờ khống để quyết toán nhiều hơn mức chi nhằm bỏ túi riêng. Bản thân anh/cô ấy và thực tế có rất nhiều người trong xã hội cho rằng đó là chuyện rất bình thường, rất nhiều nười vẫn làm (ăn lương thôi có mà chết đói!/không làm thế thì sao mà giàu được/tôi kiếm tiền cũng là vì gia đình thôi mà…)
Tuy nhiên bạn đời của anh/cô ấy ( khi biết được điều đó sẽ thấy không chấp nhận được, và nghĩ rằng đó là hành vi thiếu trung thực, không đàng hoàng (thậm chí có thể người này có thể bị nhiều người đánh giá là “bôn xê vích”, sống không thực tế…)
2 người này chắc chắc không sống với nhau được lâu dài, trừ khi 1 là A thực sự hiểu theo ý của B và điều chỉnh tư duy, hành vi của mình; 2 là B thoả hiệp được với hành vi đó mà không thấy gợn nữa (tuy nhiên tôi vẫn nghĩ phương án này khó xảy ra và khó bền, vì bản chất con người rất khó thay đổi)
Ví dụ 2:
1 người (C) đi cùng vợ/chồng đang đi 1 việc rất vội, rất gấp, trên đường nhìn thấy 1 bà cụ bị ngã ngay gần mình mà không có ai đỡ - đường phố thì vắng vẻ. C xuống xe và ra đỡ bà cụ, bà cụ bị thương và có vẻ ảnh hưởng đến xương, C thử giúp bà liên hệ với con cháu nhưng máy chưa liên lạc được nên C quyết định gọi xe và đưa bà cụ vào viện, để vợ/chồng mình đi có việc tiếp 1 mình.
Hậu quả là tối đó về nhà, 2 vợ chồng cọ cãi rất gay gắt.
Vợ/Chồng của C là D rất bực bội và khó chịu về việc này, thấy rằng C “việc nhà không lo, toàn đi lo việc thiên hạ”, thậm chí hôm đó vì đi 1 mình nên việc của D còn không thuận lợi, nên lại càng cáu giận hơn.
C thì cho rằng mình đã hành động đúng, vì bà cụ lúc đó rất cần sự giúp đỡ, và mình không thể làm ngơ trong hoàn cảnh đó.
D cho rằng nếu không có mình thì rồi cũng sẽ có người khác đến giúp bà cụ đó, và bà ấy chưa đến mức nguy kịch nên có ngồi thêm ở đó 1 lúc chờ người khác đến giúp cũng không sao.
Họ giận nhau rất lâu sau đó, và kể cả sau 1 thời gian suy nghĩ cân nhắc bình tâm hơn, thì quan điểm của 2 người vẫn giữ nguyên như vậy.
Trường hợp này, tôi cũng nghĩ họ cơ bản khác nhau rất nhiều về cách tư duy và quan niệm về cuộc sống, về con người, về các chuẩn mực…
Ví dụ 3:
E và F là người yêu, họ đang tranh luận về chủ đề “người giàu”.
E cho rằng bất kì ai cứ giàu là đều đáng nể phục, đáng tôn trọng hết, bởi vì họ phải rất giỏi thì họ mới giàu có được, bất luận họ giàu theo cách nào.
F cho rằng tất nhiên giàu là đáng nể ở góc độ chắc chắn họ giỏi kiếm tiền theo 1 cách nào đó, tuy nhiên không nghĩa là đó là là người đáng tôn trọng, nếu như người đó kiếm tiền theo những cách vi phạm đạo đức, pháp luật hay chộp giật vụ lợi bất chính…
Ở đây, tôi cho rằng câu chuyện này không chỉ là tranh cãi nhất thời về 1 sự việc đơn lẻ. Quan điểm của họ cho thấy HỆ GIÁ TRỊ của 2 người rất khác nhau.
---
Thực ra, có hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu case study như vậy đầy rẫy xung quanh chúng ta.
Tôi cũng không đánh giá ai đúng – ai sai, ai hay – ai dở, ai tốt – ai xấu, vì những đánh giá đó lại phụ thuộc vào NHÂN SINH QUAN, THẾ GIỚI QUAN và GIÁ TRỊ QUAN của CÁ NHÂN TÔI rồi – tôi cũng không kì vọng là những người đọc bài viết này sẽ tư duy giống tôi, nên tôi cũng không chia sẻ ở đây.
Tôi cũng hiểu rằng sẽ là “tuyệt đối hoá”, “lí tưởng hoá” quá mức nếu như nghĩ rằng cặp đôi nào cũng cần phải tương đồng hết thì mới sống được cạnh nhau.
Chắc chắn rồi, chẳng có gì là hoàn hảo, tuyệt đối và lí tưởng.
Chỉ là, khi nhìn mọi thứ theo cách tư duy này, sẽ có thể lí giải phần nào các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ tình yêu, hôn nhân.
Không nhất thiết các mâu thuẫn luôn phải nảy sinh từ các vấn đề liên quan trực tiếp/gây ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ 2 người (các ví dụ trên đều như vậy). Nó có thể nảy sinh từ cách mà mà 2 bên nhìn nhận, đánh giá, quan niệm về 1 vấn đề khách quan nào đó (cũng là mấy thứ "quan" đó đó ).
Không bàn đến những vấn đề thuộc về đặc điểm tư duy – hành vi của từng giới, không bàn đến những mâu thuẫn phát sinh do cư xử sai vì nóng giận nhất thời hay các tác động ngoại cảnh…, ở đây, là vấn đề khá CỐT LÕI – thuộc về BẢN CHẤT mỗi con người.
Cách tư duy, quan niệm, hệ giá trị của mỗi người sẽ chi phối, sẽ quyết định hành vi, ứng xử, lựa chọn, quyết định… của người đó trong cuộc sống…
Nhiều đôi có khi cãi nhau lặt vặt suốt ngày, chí choé suốt ngày, nhưng thực ra chỉ là “khắc khẩu”, tính cách khác nhau…, đôi khi lại vẫn ở được bên nhau rất lâu, bởi vì về cốt lõi, họ tương đồng về các yếu tố đó.
Nhiều đôi ở cạnh nhau bình yên êm ả, chẳng bao giờ gợn sóng, nhưng có khi bùm cái chia tay, mọi người chẳng hiểu nổi tại sao (ví dụ như đôi trong phim mà tôi kể). Nói ra 1 chuyện, mọi người bảo chuyện bé tí bỏ qua đi, nhưng không hiểu rằng, cơ bản 1 mối quan hệ không thể tiếp tục, khi cảm thấy người bên cạnh không thể là “người đồng hành” của mình được. Nó không phải 1 sự kiện, 1 hành động, 1 lời nói cụ thể, mà nó là cả 1 quá trình – ngấm dần, ngấm dần những cảm giác “lệch pha, lệch sóng” mà đôi khi cả 2 không lí giải được, rồi cho đến 1 ngày có 1 sự kiện làm cho mọi thứ “bùng lên”, thúc đẩy người trong cuộc “trút bỏ” gánh nặng về mối quan hệ không phù hợp với mình.
1 chút chia sẻ lan man vậy nhé, hi vọng giúp mọi người tham khảo thêm để cùng nhìn nhận – đánh giá lại mối quan hệ của mình, đặc biệt giúp những bạn Single có thêm cơ sở để cân nhắc, lựa chọn những đối tượng tiềm năng phù hợp nhé