(Trích một bài báo về sách "hẹn hò kiểu KÉN" trên trang Zing news)
Vũ Nguyệt Ánh (1987) từng “bầm dập” trong lần đầu khởi nghiệp, nhưng không bỏ cuộc mà vẫn kiên trì theo đuổi. Tới nay, cô đã tạo dựng được một ứng dụng hẹn hò với hàng nghìn người dùng. Bằng những kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình làm việc trong lĩnh vực dịch vụ hẹn hò, Nguyệt Ánh đã viết nên cuốn sách kỹ năng Hẹn hò kiểu "Kén".
Theo số liệu khảo sát năm 2015 của một hãng tư vấn hôn nhân tại Nhật Bản, tại đất nước này có 74,3% thanh niên ở độ tuổi 20 chưa kịp yêu đương gì, so với con số 50% vào năm 1996. Một khảo sát trên 7.000 thanh niên Nhật trong độ tuổi từ 20-30 cho thấy 40% số người độc thân độ tuổi 20 không tìm kiếm một mối quan hệ và nghĩ rằng yêu đương thật phiền toái, việc đắm mình trong các thú vui của bản thân đáng được ưu tiên hơn nhiều.
Tình trạng sợ yêu, sợ hôn nhân đã trở thành vấn đề đáng báo động ở Nhật Bản. Tại Việt Nam, theo Vũ Nguyệt Ánh, tình trạng ngại yêu, sợ kết hôn tuy chưa ở mức báo động đỏ, nhưng cũng bắt đầu manh nha.
Theo quan sát của tác giả sách, chỉ cần lướt một vòng xung quanh nhìn ra đám bạn bè thì những con số báo động trên chẳng phải xa xôi tận nước Nhật. Ngay tại Việt Nam, cũng đã hình thành nên một lớp thanh niên có đủ đầy mọi thứ, từ học vấn cao, công việc tốt, thu nhập ổn… nhưng đều trong tình trạng “lười yêu” và lười lập gia đình.
Tác giả Vũ Nguyệt Ánh chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến thanh niên ngày nay lười yêu, bởi họ quá bận rộn với công việc và đang say sưa trên hành trình khẳng định bản thân, tìm cách thăng tiến trong sự nghiệp.
Cuộc sống hiện đại giúp họ có cuộc sống tương đối đủ đầy, tiện ích, nên họ không cần đến một người vợ để có bữa cơm ngon, không nhất thiết phải có một người chồng để không phải phải lo chuyện đường ống nước chẳng may bị hỏng. Các dịch vụ chuyên nghiệp, hệ thống nhà hàng… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ.
Về mặt cảm xúc, Vũ Nguyệt Ánh chỉ ra thanh niên thời nay muốn hưởng thụ cuộc sống theo cách mình thích. Nếu yêu một ai đó, họ phải thích nghi, thay đổi, giận hờn, làm lành, thậm chí phải có trách nhiệm với nhau, nếu kết hôn và sinh con thì trách nhiệm với gia đình con cái sẽ nặng nề hơn gấp bội.
Làm thế nào có thể nắm tay một người đàn ông hay phụ nữ vượt qua mọi biến cố cuộc đời là điều không hề đơn giản. Việc yêu, kết hôn đồng nghĩa với cam kết cả đời chung sống với một người khiến người trẻ không khỏi cảm thấy bị áp lực.
Bởi những lí do đó, ngày càng nhiều thanh niên lười yêu, lười kết hôn. Những người lười yêu vẫn có thể hẹn hò khi có cơ hội, nhưng họ chỉ đủ cởi mở để gặp gỡ và làm quen thêm một người. Để dấn thân vào một mối quan hệ sâu hơn, và có những cam kết, trách nhiệm thì nhiều người chưa sẵn sàng.
Thông thường, những người trẻ lười yêu, ngại kết hôn, đến một độ tuổi nhất định mà chưa có người yêu sẽ bị mặc định bằng một tính từ chung là “ế”.
Nhưng theo Vũ Nguyệt Ánh, từ “ế” không thể áp dụng cho những người dù tuổi đã nhiều mà vẫn chưa có gia đình hoặc người yêu trong thời đại này. Mà thay vào đó, phải gọi họ là những người kén chọn. “Một thế hệ kén chọn” là cụm từ mà Vũ Nguyệt Ánh nhấn mạnh trong cuốn sách Hẹn hò kiểu "Kén".
Có một quá trình làm việc với dịch vụ hẹn hò, nên Vũ Nguyệt Ánh nắm được nhiều thông tin của những thanh niên “lười yêu”. Cô tiết lộ trong mạng lưới dịch vụ hẹn hò mà cô tạo lập, phần lớn thành viên đều là những thanh niên có học vấn, thành đạt: 37% thành viên là cựu du học sinh ở các nước phát triển, 51% là thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp các trường uy tín ở Việt Nam, 38% là lãnh đạo, quản lý ở các công ty, tập đoàn uy tín…
Rõ ràng có một bộ phận không nhỏ những người thành đạt nhưng vẫn độc thân lâu dài và khó kiếm người yêu. Sở dĩ họ vẫn độc thân không phải vì “ế”, mà do họ là những người bận rộn và kén chọn.
Sách viết: “Có một thực tế là những bạn trẻ có học vấn càng cao, công việc càng tốt, kinh tế càng ổn thì lại càng khó kiếm người yêu. Đơn giản bởi vì họ kén chọn, bởi vì họ có nhiều thứ, nên họ cũng yêu cầu nhiều thứ ở người sẽ sánh đôi với mình… Họ không chỉ đơn thuần cần một người tương xứng về profile, họ còn cần thêm cả cảm xúc, cả chemistry (cảm giác thu hút tự nhiên giữa hai người khác giới), cử sự phù hợp – tương ứng – đồng điệu về sở thích, tính cách, gia đình, hoàn cảnh, nền tảng văn hóa, khoảng cách địa lý, vân vân và vân vân…”.
Càng có điều kiện, nền tảng tốt, thanh niên ngày nay càng trở nên “siêu kén chọn” là vì vậy. Họ chọn mãi, chấp nhận độc thân cho tới khi nào tìm bằng được một người phù hợp mới thôi, mặc kệ tuổi tác, gia đình hay bạn bè giục giã…
Không giống các ông bố, bà mẹ "sốt sình sịch", cảm thấy như đang “ôm quả bom nổ chậm” khi có con đến tuổi cập kê mà vẫn chẳng thèm yêu, Vũ Nguyệt Ánh coi chuyện đó là bình thường.
Sau khi nêu ra hiện tượng, tìm ra nguyên nhân của căn bệnh “lười yêu”, tác giả vẫn tiếp tục khuyến khích người trẻ… đừng vội yêu.
Cô lập luận, nếu một người độc thân quá sốt ruột, vội vàng muốn kết hôn để chiều theo ý muốn của bố mẹ, của những lề lối, nguyên tắc cũ… thì họ sẽ phải gồng mình lên để làm những điều mà “thiên hạ” muốn, và kết cục chưa chắc đã tốt đẹp.
“Vứt bỏ cái tiêu chuẩn ‘người bình thường không hạnh phúc’ ấy sang một bên, hãy sống như cách mà chúng ta cho là hợp lý” - Vũ Nguyệt Ánh viết trong sách.
Cô đưa ra giải pháp tối ưu cho những người độc thân hiện nay. Tác giả ví việc tìm kiếm đối tác hẹn hò với việc “săn đầu người” trong lĩnh vực tìm kiếm nhân sự. Cô khuyên mỗi thanh niên “siêu kén chọn” hãy tự biến bản thân mình thành “hàng hot”, nghĩa là không ngừng trau dồi bản thân, và tự tin, thoải mái sống đúng hệ giá trị của mình.
Người tạo ra mạng lưới hẹn hò chất lượng tại Việt Nam khuyến khích thanh niên “lười yêu” hãy hẹn hò nhiều, gặp gỡ nhiều. Việc hẹn hò không phải để tìm ngay một đối tác tiến tới kết hôn, mà trước tiên để thấy cuộc sống này phong phú, có muôn hình vạn trạng những người tài giỏi, đáng yêu, đáng để làm quen, kết bạn…
Khi đã quen biết nhiều, mỗi người sẽ thấy ai cũng có giá trị và thế mạnh riêng, việc hẹn hò để tìm người yêu chỉ là một mảng nhỏ trong các mối quan hệ, kết nối.
Tác giả một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hẹn hò. Cô khẳng định, sau khi hẹn hò, mọi chuyện đều tùy duyên: “Chờ duyên đến rồi sẽ gặp được người phù hợp. Chờ tình đến rồi sẽ yêu. Chờ đủ trải nghiệm và chín chắn sẽ chọn được người đồng hành với mình suốt cuộc đời".